Đà Nẵng không thể thi hành án thu hồi sân vận động Chi Lăng
Tại phiên thảo luận trong Kỳ họp giữa năm HĐND TP Đà Nẵng chiều 7.7, nhiều đại biểu nêu những vướng mắc liên quan việc thi hành án các dự án sai phạm trên địa bàn thành phố, như sân vận động Chi Lăng, Khu đô thị Đa Phước… Ông Trần Phước Thu, Cục Trưởng Cục Thi hành án Dân sự Đà Nẵng cho biết, rất khó thi hành án đối với việc thu hồi sân vận động Chi Lăng vì vướng thủ tục pháp lý.
Cử tri đặc biệt quan tâm chính quyền TP Đà Nẵng đã chỉ đạo xử lý thi hành án các dự án sai phạm như thế nào. Đại biểu Huỳnh Minh Chức, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thành phố cho biết, Kết luận 2852 của Thanh tra Chính phủ liên quan đến sai phạm đất đai kéo dài 8 năm nay, không biết bao giờ mới giải quyết xong các vụ án này.
Kỳ họp giữa năm 2020 của HĐND thành phố Đà Nẵng từ ngày 6 – 8.7
Hiện còn thêm các dự án đất đai liên quan vụ án của Phan Văn Anh Vũ, Phạm Công Danh đang khiến nhân dân rất quan tâm. Theo đại biểu Huỳnh Minh Chức, dư luận muốn biết chủ trương của thành phố về việc này.
“Dư luận muốn biết chủ trương của thành phố về người mua nhà, đất đai tại 3 dự án liên quan đến Phan Văn Anh Vũ sẽ được bảo vệ quyền lợi như thế nào. Khi UBND thành phố thu hồi đất để thi hành án theo bản án Tòa đã tuyên, UBND thành phố lấy tiền đâu để thi hành các bản án đó. Phán quyết của Tòa về sân vận động Chi Lăng ra đấu giá, đây là một phán quyết không được hợp lòng dân. Làm sao tháo gỡ nhanh vướng mắc này, không nên để kéo dài”, ông Chức đưa hàng loạt câu hỏi.
Việc mua bán sân vận động Chi Lăng nằm trong vụ án Phạm Công Danh của Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh được TAND Cấp cao tại TP HCM xét xử và tuyên án tháng 9.2019. Theo Luật Đất đai 2003, Khu phức hợp sân vận động Chi Lăng thuộc diện đất sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thì thời hạn sử dụng đất là có thời hạn.
Trong khi đó, 10 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất tại dự án này được cấp năm 2011, với thời hạn sử dụng đất lâu dài là vi phạm pháp Luật Đất đai về thời hạn sử dụng đất. Căn cứ Kết luận 2852 năm 2012 của Thanh tra Chính phủ, Đà Nẵng phải thu hồi những sổ hồng này để điều chỉnh thời hạn sử dụng đất phù hợp với quy định.
Ông Trần Phước Thu, Cục Trưởng Cục Thi hành án Dân sự TP Đà Nẵng cho biết, điều này dẫn tới việc các tổ chức, cá nhân không thể tham gia đấu giá để mua lại tài sản và làm cho việc xử lý tài sản kê biên để thi hành án không thực hiện được.
“Đây là tài sản nằm trong tình trạng pháp lý chưa rõ ràng, mặc dù bản án đã tuyên và tiếp tục kê biên để đảm bảo thi hành án. Việc đền bù cho hộ dân đã bàn giao mặt bằng cho UBND để giao cho các công ty con của Tập đoàn Thiên Thanh hiện nay vẫn chưa hoàn thành. Các hộ dân và trụ sở doanh nghiệp vẫn còn nguyên, chưa giải tỏa. Cơ quan thi hành án xét thấy vướng mắc thực tế qua xác minh. Do đó, Cục Thi hành án thành phố xét thấy thực hiện theo thẩm quyền của mình đề nghị Giám đốc thẩm lại bản án đối với phần sân vận động Chi Lăng, vì không thể thi hành được”, ông Thu thông tin.
Ông Nguyễn Nho Trung, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng cho biết, qua các buổi tiếp xúc cử tri, người dân rất quan tâm đến việc thi hành án đối với các vụ án lớn ở Đà Nẵng, trong đó có việc bán sân vận động Chi Lăng, khu đô thị Đa Phước.
Người dân thành phố cho rằng, dự án này nếu thu hồi được sẽ thúc đẩy phát kinh tế triển thành phố, đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế và văn hóa. Ngược lại, nếu không giải quyết được dễ dẫn tới khiếu kiện, xảy ra điểm nóng.
Theo Đình Thiệu (VOV)