Hợp lòng dân thì dễ thành công
Trên thực tế, sau 3 năm triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM) trên địa bàn TP Hà Nội đã cho thấy một kinh nghiệm rõ nét, đó là những nơi nào thực hiện những công việc hợp lòng dân thì dễ thành công.
Mô hình trồng hoa ở Tây Tựu (Từ Liêm - Hà Nội) cho thu nhập 450 - 500 triệu đồng/ha/năm.
Điểm nổi bật của Hà Nội là toàn thành phố đã huy động được nguồn lực tổng hợp với tổng kinh phí đầu tư khoảng trên 8.500 tỉ đồng, trong đó người dân đóng góp hơn 426 tỉ đồng, không kể người dân hiến hàng ngàn mét vuông đất và hàng chục ngàn ngày công lao động để góp phần XDNTM. Đến nay 19/19 huyện, thị xã của Hà Nội đã chủ động hưởng ứng tích cực và tổ chức triển khai XDNTM, điển hình là các huyện Từ Liêm, Mê Linh, Thanh Trì, Đan Phượng, Phúc Thọ... Một số huyện như Đan Phượng, Hoài Đức có sự đột phá trong phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng giao thông thôn xóm, thủy lợi nội đồng”. Công tác dồn điền đổi thửa được tập trung thực hiện, việc ứng dụng tiến bộ KHKT, cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp đã phát huy tác dụng tốt.
Đến nay, TP Hà Nội có 12 xã đạt và cơ bản đạt 19/19 tiêu chí XDNTM. Mô hình điểm Trung ương tại xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ đạt 19/19 tiêu chí. Mô hình điểm của thành phố tại xã Song Phượng, huyện Đan Phượng đến nay có 18/19 tiêu chí đạt và cơ bản đạt. Xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn đến nay đạt và cơ bản đạt 19/19 tiêu chí. Đối với mô hình điểm tại 15 xã của các huyện, thị xã, có 6 xã đạt hoặc cơ bản đạt 19/19 tiêu chí.
Kết quả thực hiện tiêu chí XDNTM trên địa bàn TP Hà Nội cho thấy: Tỉ lệ đường giao thông nông thôn được bê tông hóa đạt 75% (đạt 86,2% kế hoạch); trạm y tế được kiên cố hóa đạt chuẩn quốc gia trên 97% theo chuẩn cũ và đạt chuẩn khoảng 30% theo chuẩn mới (đạt 60% kế hoạch); tỉ lệ dân số nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh 86% (đạt 86% kế hoạch); trong đó, tỉ lệ được dùng nước sạch 33% (đạt 55% kế hoạch). Tỉ lệ thôn, xóm, cụm dân cư đạt tiêu chuẩn làng văn hóa 57,8% (đạt 85% kế hoạch); tỉ lệ thôn, xóm, cụm dân cư có nhà văn hóa - thể thao đạt 45% (đạt 49% kế hoạch); 100% số cơ sở đạt tiêu chí giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Theo ông Lê Văn Thư - Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm - địa phương có 4 xã NTM, để có được kết quả đó là do huyện đã chỉ đạo sát sao, xây dựng kế hoạch cụ thể, huy động được sức dân tham gia XDNTM. Huyện đã ban hành 16 đề án, chuyên đề phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế xã hội, an ninh, quốc phòng và XDNTM, trong đó có 2 đề án về kinh tế, 3 đề án về văn hóa giáo dục, 2 đề án về môi trường, 1 đề án về quy hoạch đô thị… Đặc biệt, huyện đã ban hành và thực hiện đề án “Vận động toàn dân chung sức XDNTM”, lấy chi ủy thôn, tổ dân phố, ban công tác mặt trận, các chi hội đoàn thể làm nòng cốt để tổ chức vận động nhân dân tham gia. Thông qua các cuộc vận động, người dân đã hăng hái tham gia xây dựng hạ tầng nông thôn như: Cải tạo, duy tu công trình thủy lợi, duy trì vệ sinh môi trường, cải tạo hệ thống điện… với tổng kinh phí lên tới hàng trăm tỉ đồng.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, Trưởng ban chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU Nguyễn Công Soái cho biết: Để đạt kế hoạch XDNTM, cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân; tạo sự đồng nhất cao trong nhận thức và hành động, tự giác hăng hái tham gia thực hiện chương trình XDNTM. Tăng cường đào tạo, tập huấn cho cán bộ làm công tác XDNTM từ thành phố đến cơ sở, xác định đây là nhân tố quan trọng quyết định thành công trong XDNTM. Huy động mọi nguồn lực, đặc biệt là vận động người dân và các doanh nghiệp tham gia. Các địa phương cần trao đổi học tập kinh nghiệm tại các xã đã làm tốt để áp dụng vào địa phương mình.
N.V (Tổng hợp)