Bộ Công Thương xem xét phương án tính một giá điện
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, Bộ Công Thương đang nghiên cứu phương án giá bán lẻ điện sinh hoạt 1 bậc bên cạnh phương án biểu giá bán lẻ điện bậc thang sửa đổi.
Theo Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, đơn giá trong trường hợp này sẽ được xây dựng dựa trên giá điện bình quân 1.864,44 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT). Trường hợp người tiêu dùng chọn phương án giá điện nào thì sẽ được ngành điện áp dụng phương án đó cho tới khi có biểu giá mới.
Theo đó, mức giá của phương án một giá đang được cân nhắc, nhưng chắc chắn sẽ cao hơn giá điện bình quân hiện nay là 1.864,44 đồng/kWh.
Thứ trưởng Quốc Vượng cho biết, Bộ Công Thương sẽ họp rà soát lại và có báo cáo lần cuối, đưa ra lấy ý kiến trước khi trình Thủ tướng vào cuối năm nay vào tuần sau.
Về tác động của phương án này đến doanh thu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho rằng, nếu nhiều người sử dụng điện chọn phương án 1 bậc ít nhiều ảnh hưởng đến doanh thu của EVN. Song, theo ông, xét tổng thể thì dù với phương án giá nào, tổng doanh thu trên số điện thương phẩm thì giá điện thu được cũng bằng giá bình quân của hệ thống điện để đảm bảo hài hòa lợi ích.
Bộ tính toán, giá điện bằng mức giá điện bình quân hiện hành cho sinh hoạt là 1.897 đồng/kWh. Theo phương án này, tiền điện các hộ sinh hoạt có mức sử dụng điện từ 201 kWh/tháng trở lên (khoảng 6,7 triệu hộ) tiền điện phải trả giảm từ 8.000 đến 330.000 đồng/hộ/tháng.
Trong thời điểm nắng nóng, hóa đơn tiền điện của nhiều hộ gia đình tăng sốc, vấn đề tính giá điện như thế nào lại được mang ra bàn luận.
Theo chuyên gia Ngô Trí Long, điện là hàng hóa đặc biệt. Khác với hàng hóa thông thường, càng mua nhiều càng rẻ, điện càng dùng nhiều thì chi phí phải trả sẽ tăng lũy tiến, bởi lẽ nhu cầu sử dụng điện cao, trong khi nguồn năng lượng lại hữu hạn.
Trong thời tiết nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện tăng, số tiện tăng, dẫn đến việc giá điện cao, chứ trên thực tế, giá điện không hề tăng.
Trước đó, Bộ Công Thương có dự thảo lấy ý kiến nhằm hoàn thiện dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định cơ cấu biểu giá bán lẻ điện thay thế Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg, để trình Thủ tướng xem xét, quyết định.
Theo đó, Bộ Công Thương đưa 5 phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt gồm 1, 3, 4 và 5 bậc. Trong đó, Bộ Công Thương đề xuất chọn phương án giá điện 5 bậc thang theo kịch bản 1. Lý do là với kịch bản này sẽ có mức tăng giá điện giữa các bậc ở mức hợp lý; đảm bảo toàn bộ số hộ có mức sử dụng điện dưới 700 kWh (chiếm 98,2% tổng số hộ) có mức tiền điện không tăng hoặc giảm khi áp dụng biểu giá điện mới.
Cụ thể, theo phương án 1, giá điện sinh hoạt bao gồm 5 bậc thang; trong đó giá điện bậc 1 (cho 0-100 kWh) giữ như mức giá bậc 1 theo biểu giá hiện hành; bậc 2 từ 101 - 200 kWh; bậc 3 từ 201 - 400 kWh; bậc 4 từ 401 - 700 kWh; bậc 5 từ 701 kWh trở lên.
Theo tính toán, tiền điện các hộ sinh hoạt có mức sử dụng điện từ 701 kWh/tháng trở lên (khoảng 0,5 triệu hộ, chiếm 1,8% tổng số hộ) phải trả tăng thêm 29.000 đồng/hộ/tháng.
Theo THIÊN BÌNH (Laodong.vn)