Vượt khó giữ nhịp xuất khẩu
6 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh đạt 520,2 triệu USD, tăng gần 15% so với cùng kỳ năm 2019. Ðây là nỗ lực rất lớn của DN trong bối cảnh dịch Covid-19, đặc biệt những ngành hàng xuất khẩu chủ lực.
Nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất đồ gỗ tổ chức lại quy mô sản xuất, chuyển đổi cơ cấu mặt hàng để giữ nhịp độ tăng trưởng xuất khẩu.
Dịch Covid-19 kéo dài, hoạt động xuất khẩu của DN gặp nhiều khó khăn, rõ nhất là các ngành nông sản, thủy sản, gỗ và lâm sản, da giày, may mặc...
Trong khó khăn đó, ông Phạm Văn Nam, Giám đốc Công ty CP Lương thực Bình Định (BIDIFOOD) cho biết, DN đã chủ động nắm bắt tình hình biến động thị trường, nhất là chủ trương “dự trữ gạo chiến lược” ở một số quốc gia và nhu cầu nhập khẩu gạo của các nước để quyết định xuất bán gạo từng thời điểm phù hợp. Đến nay, BIDIFOOD xuất khẩu hơn 66.600 tấn gạo và nếp các loại, tăng hơn 55%, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 31,6 triệu USD (tăng hơn 82%).
Trong khi đó, với ngành hàng chủ lực của tỉnh là gỗ và lâm sản, các DN tổ chức lại quy mô và năng lực sản xuất, chuyển đổi cơ cấu mặt hàng hay thúc đẩy bán hàng online… để giữ nhịp độ tăng trưởng xuất khẩu. Ông Lê Văn Thảo, Tổng Giám đốc Công ty CP Phú Tài, cho biết, bên cạnh sắp xếp tổ chức, dây chuyền sản xuất, Phú Tài chủ động sản xuất các đơn hàng xuất khẩu ký từ tháng 2 - 5.2020. Nhưng quan trọng hơn, DN chủ động tìm kiếm đơn hàng “trái vụ” ở một số thị trường mới và đón đầu thị trường Mỹ, EU. Công ty tăng cường giao dịch và bán hàng qua hình thức online. Kim ngạch xuất khẩu của Phú Tài vẫn duy trì phát triển ở mức 40 triệu USD, trong đó riêng sản phẩm gỗ đạt gần 30 triệu USD, tăng gần 49% cùng kỳ năm 2019.
Phó Giám đốc Sở Công Thương Trần Ánh Tuyết cho hay, trước tình hình đại dịch Covid-19, bên cạnh những giải pháp của Chính phủ, UBND tỉnh, các Bộ, ngành, nhiều DN đã nỗ lực vượt qua khó khăn từng bước ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất khẩu. 6 tháng đầu năm, giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh đạt 520,2 triệu USD, tăng gần 15% so với cùng kỳ năm 2019 và đạt gần 54% kế hoạch năm. Trong đó, xuất khẩu DN khối kinh tế nhà nước đạt gần 32 triệu USD (tăng 182,4%); khối kinh tế tư nhân đạt 443 triệu USD (tăng 12,4%); khối kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt gần 46 triệu USD (tăng 7,3%). Những lĩnh vực có giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng khá là lâm sản gần 269 triệu USD, tăng 11,4%; gỗ các loại hơn 108 triệu USD, tăng 15,4%; khoáng sản - vật liệu xây dựng hơn 26 triệu USD, tăng 27%; công nghiệp chế biến, tiêu dùng đạt 148,4 triệu USD, tăng gần 23%...
Kết quả trên có thể coi là cơ sở để các DN tiếp tục vượt khó trong cuộc đua cuối năm. Bà Trần Ánh Tuyết dự báo, khó khăn do tác động của dịch Covid-19 vẫn tiếp diễn với một số ngành hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh. Đáng chú ý là ngành thủy sản khi kim ngạch xuất khẩu đầu năm chỉ hơn 28 triệu USD, đạt 35,1% kế hoạch năm và giảm 32% so với cùng kỳ. DN xuất khẩu thủy sản tiếp tục gặp khó khi dịch Covid-19 vẫn phức tạp ở nhiều quốc gia, nhất là Mỹ, Trung Quốc…
Sở Công Thương xác định 6 tháng cuối năm phấn đấu thực hiện kim ngạch xuất khẩu đạt 450 triệu USD, giữ nhịp tăng trưởng chung cả năm ở mức 970 triệu USD, tăng 6,4%. Cụ thể: Nhóm hàng nông sản phấn đấu đạt 70 triệu USD (tăng gần 32%); nhóm hàng lâm sản đạt 510 triệu USD (tăng 7,9%); nhóm khoáng sản và vật liệu xây dựng đạt 45 triệu USD (tăng 5,5%); nhóm hàng công nghiệp, chế biến và tiêu dùng đạt 275 triệu USD (tăng 3,3%)…
“Sở đã đề ra một số giải pháp hỗ trợ DN xuất khẩu tìm thị trường nhập khẩu nguyên liệu, vật liệu, phụ tùng, linh kiện thay thế cho sản xuất; tổ chức gặp gỡ, đối thoại tháo gỡ khó khăn cho DN; hỗ trợ kinh phí để DN tham gia hội chợ triển lãm trong và ngoài nước. Chúng tôi đang phối hợp, kết nối với các Tham tán Việt Nam tại nước ngoài thu thập thông tin, cơ hội giao thương kịp thời cung cấp cho các DN tìm kiếm thị trường xuất khẩu”, bà Trần Ánh Tuyết nhấn mạnh.
VIẾT HIỀN