Nâng cao chất lượng đào tạo là đích đến
Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, Ðảng bộ Trường ÐH Quy Nhơn đã phát huy vai trò lãnh đạo, khơi dậy và khai thác mọi nguồn lực, đổi mới toàn diện, hoàn thành tốt Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ lần thứ XIV, lấy việc nâng cao chất lượng đào tạo là đích đến.
Nhiều dấu ấn mới
Ngày 5.7.2020, Trường ĐH Quy Nhơn công bố quyết định và trao giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục 3 chương trình đào tạo: Kỹ thuật điện, Sư phạm Hóa học, Sư phạm Toán học. Trước đó, tháng 10.2017, Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - ĐH Đà Nẵng đã công nhận Trường ĐH Quy Nhơn đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục. Trường ĐH Quy Nhơn đang tiến hành tự đánh giá 9 chương trình đào tạo khác, phấn đấu đến cuối năm 2020 có 12 chương trình đào tạo được đánh giá ngoài, đạt chỉ tiêu hơn 30% số chương trình đào tạo được kiểm định chất lượng giáo dục.
Trường ĐH Quy Nhơn cùng Hội Gặp gỡ Việt Nam, NOMS group, lãnh đạo UBND tỉnh ký biên bản hợp tác và khởi động Nhóm nghiên cứu Vật lý Neutrino Việt Nam.
PGS.TS Đỗ Ngọc Mỹ, Hiệu trưởng Trường ĐH Quy Nhơn, nhấn mạnh: “Nhà trường sẽ tiếp tục nỗ lực, phát triển các điều kiện bảo đảm chất lượng; phấn đấu xây dựng Trường trở thành trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực định hướng ứng dụng, có uy tín cao, có vị thế quan trọng về hợp tác đào tạo nghiên cứu, trao đổi học thuật, giao lưu văn hóa trong nước và quốc tế”.
Ba năm gần đây, công tác tuyển sinh của Trường ĐH Quy Nhơn ổn định khoảng 3.000 sinh viên mỗi năm. Quy mô tuyển sinh sau đại học ngày càng tăng, từ 410 học viên năm 2015, đến năm 2019 đạt 520 học viên. Tỷ lệ tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư chiếm 31% trong tổng số giảng viên.
Công tác đào tạo đại học, sau đại học và bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ của nhà trường đạt nhiều kết quả tốt. Giai đoạn 2015 - 2019 có 15.860 sinh viên hệ chính quy và trên 6.000 sinh viên hệ vừa làm, vừa học tốt nghiệp đại học. Có 2.014 học viên nhận bằng thạc sĩ, đặc biệt có 8 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ. Đơn vị cũng triển khai bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp cho gần 19.000 viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên; tham gia bồi dưỡng các chuyên đề cho đội ngũ hiệu trưởng các trường THCS tỉnh Phú Yên..., góp phần tích cực xây dựng thương hiệu, uy tín của nhà trường trong khu vực.
Trường ĐH Quy Nhơn tiếp tục đổi mới, hướng tới mục tiêu là cơ sở giáo dục đại học đa ngành, đa lĩnh vực định hướng ứng dụng có uy tín cao.
- Trong ảnh: Sinh viên Trường ĐH Quy Nhơn chụp ảnh lưu niệm sau lễ tốt nghiệp ra trường.
Hiểu chất lượng đào tạo phải gắn với năng lực sinh viên, đáp ứng được yêu cầu của xã hội, Trường ĐH Quy Nhơn nỗ lực với mục tiêu nâng tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm. Thông qua quan hệ hợp tác với các DN, sự ra đời và hoạt động của Trung tâm Hỗ trợ sinh viên và quan hệ DN, số lượng sinh viên được hỗ trợ về việc làm tăng lên. Đơn cử như năm 2019, hàng chục sinh viên đang theo học tại các khoa Công nghệ thông tin, Kỹ thuật và Công nghệ, Toán học của trường đã có cơ hội thực tập và làm việc chính thức sau thực tập tại Công ty phần mềm TMA Solutions theo đặt hàng đào tạo trước đó của DN với trường.
Tái cấu trúc, đáp ứng nhu cầu xã hội
Với mục tiêu trở thành cơ sở giáo dục đại học đa ngành, đa lĩnh vực định hướng ứng dụng có uy tín và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, Trường ĐH Quy Nhơn từng bước mở các ngành đào tạo mới, đáp ứng nhu cầu xã hội, tái cấu trúc các khoa, ngành. Nhiệm kỳ 2015 - 2020 được xem là cả một chặng đường táo bạo, quyết tâm thoát khỏi “tổ kén” để có được những đột phá mới.
Ðề án đổi mới cơ cấu tổ chức nhà trường giai đoạn 2019 - 2022, tầm nhìn đến năm 2030 chính thức triển khai thực hiện từ ngày 1.7.2019, được xem là dấu mốc mở ra một trang mới của Trường ĐH Quy Nhơn. Trường đã quyết định thành lập khoa Sư phạm để nâng tầm khối Sư phạm, thành lập khoa Khoa học tự nhiên, khoa Khoa học xã hội và nhân văn để đẩy mạnh công tác nghiên cứu trong nhà trường.
Năm năm qua, nhà trường đã mở 11 ngành đào tạo đại học và tiếp tục triển khai mở thêm 9 ngành mới. Các ngành nghề này đang theo kịp nhu cầu của xã hội, phù hợp với định hướng, năng lực đào tạo của trường. Có thể kể đến như: Kỹ thuật phần mềm, Toán ứng dụng, Sinh học ứng dụng, Quản trị khách sạn, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành... Ở chương trình đào tạo sau đại học, 7 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ và 1 chuyên ngành tiến sĩ đã được mở mới.
Chương trình đào tạo trình độ đại học và sau đại học định kỳ được cập nhật chuẩn đầu ra, xác định rõ mục tiêu và cách tiếp cận, phương thức kiểm tra, đánh giá. Nhà trường đã tranh thủ các nguồn lực để thực hiện nhiều dự án xây dựng, lắp đặt các thiết bị thí nghiệm, thực hành nhằm tăng cường năng lực học tập và nghiên cứu khoa học của giảng viên và sinh viên; xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, mua sắm các phần mềm quản lý cho các phòng chức năng nhằm nâng cấp môi trường làm việc.
NGUYỄN MUỘI