Phòng, chống cháy rừng mùa cao điểm nắng nóng: Không chủ quan, lơ là
Thời điểm này là cao điểm nắng nóng, dự báo nguy cơ xảy ra cháy rừng tại các vùng rừng trong tỉnh luôn ở cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm). Ngày 6.7, UBND tỉnh có văn bản nhấn mạnh thực trạng này và chỉ đạo các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác phòng, chống cháy rừng.
Huyện An Lão hiện có hơn 60.200 ha rừng và đất lâm nghiệp. Nhờ chủ động các giải pháp bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng (BVR&PCCCR), từ đầu năm đến nay, địa phương này không để xảy ra cháy rừng.
Lực lượng kiểm lâm huyện Vân Canh tuần tra BVR&PCCCR.
Ông Phạm Văn Nam, Chủ tịch UBND huyện An Lão, cho biết: “Mặc dù các giải pháp BVR&PCCCR được huyện chuẩn bị kỹ lưỡng, song chúng tôi xác định không thể chủ quan, lơ là. Huyện đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện phối hợp với ngành chức năng, chính quyền địa phương, hội, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số trong BVR&PCCCR. Bố trí lực lượng trực 24/24 giờ tại các chốt, trạm, khu vực có nguy cơ cao để kịp thời ngăn chặn, xử lý hành vi xâm hại rừng, cháy rừng xảy ra”.
“Thời tiết ngày càng diễn biến cực đoan, năm nay dự báo nắng nóng gay gắt hơn, nguy cơ xảy ra cháy rừng luôn ở mức cao. Các sở, ngành liên quan, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền cho chủ rừng, người dân về công tác BVR&PCCCR. Tăng cường lực lượng bảo vệ rừng; nghiêm cấm các trường hợp sử dụng lửa trong rừng, hướng dẫn người dân khai thác rừng xử lý thực bì đúng quy định…”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu
Với huyện Vân Canh, ông Lương Văn Huấn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện cho hay, năm nay, tại các xã, thị trấn có lực lượng CA chính quy về làm việc, đồng thời có cán bộ xã chuyên trách về lâm nghiệp là điều kiện thuận lợi để kiện toàn hoạt động ban chỉ huy BVR&PCCCR địa phương. Huyện tăng cường lực lượng kiểm lâm về địa bàn phối hợp với lực lượng chức năng, chủ rừng trực tại các chốt, trạm để quản lý, bảo vệ rừng.
Công tác PCCCR mùa cao điểm cũng đang được các chủ rừng chủ động. Tại huyện Vĩnh Thạnh, Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn được giao quản lý hơn 12.600 ha rừng trải dài và giáp ranh với nhiều địa phương trong tỉnh và tỉnh Gia Lai. Ông Nguyễn Ngọc Đạo, Chủ tịch Công ty, cho hay, ngoài đảm bảo lực lượng phối hợp các lực lượng chức năng của huyện, xã, các nhóm cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng triển khai tuần tra BVR&PCCCR, đơn vị đã đầu tư hơn 300 triệu đồng xây dựng đường băng cản lửa, chòi canh lửa, mua sắm dụng cụ, thiết bị chữa cháy rừng… để sẵn sàng PCCCR.
Tính đến ngày 8.7, toàn tỉnh xảy ra 7 vụ cháy rừng trồng của người dân, diện tích thiệt hại 15,52 ha; so với cùng kỳ năm trước tăng 4 vụ cháy, diện tích thiệt hại tăng 12,59 ha. Trong đó, tại TX Hoài Nhơn xảy ra 2 vụ/10,1 ha; huyện Vĩnh Thạnh 1 vụ/0,9 ha; huyện Phù Cát 2 vụ/3,01 ha; Phù Mỹ 2 vụ/1,51 ha.
Trong khi đó, nhiều hộ dân trồng rừng thường xuyên kiểm tra và chủ động thực hiện nhiều giải pháp bảo vệ rừng trồng. “Không chỉ nắng nóng, thời điểm này cũng là mùa gió Nam khiến thời tiết càng hanh khô, xảy ra cháy rừng thì rất khó xử lý. Bởi vậy, tôi phải cẩn trọng đề phòng, thường xuyên kiểm tra để bảo vệ rừng trồng”, ông Nguyễn Tấn Quảng, một chủ rừng ở xã Phước Mỹ (TP Quy Nhơn), trồng hơn 6 ha keo lai, chia sẻ.
Để tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp BVR&PCCCR, ông Lê Đức Sáu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm (Sở NN&PTNT) cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở NN&PTNT, Chi cục yêu cầu các hạt kiểm lâm phối hợp với địa phương, chủ rừng tăng cường công tác tuần tra bảo vệ rừng. Đặc biệt, bố trí lực lượng túc trực tại vùng rừng trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy để kịp thời triển khai lực lượng chữa cháy nếu có xảy ra cháy rừng theo phương châm “4 tại chỗ”, nhằm kịp thời khống chế lửa từ khi mới bùng phát, không để xảy ra cháy trên diện rộng, hạn chế thiệt hại ở mức thấp nhất.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN