Phát triển sản phẩm, dịch vụ tài chính phù hợp nhu cầu người dân, DN
(BĐ) - Kế hoạch hành động triển khai Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh, vừa được UBND tỉnh ban hành ngày 6.7, hướng đến mục tiêu phát triển đa dạng các tổ chức cung ứng, kênh phân phối, sản phẩm, dịch vụ tài chính do tổ chức được cấp phép cung ứng để nâng cao khả năng tiếp cận và sử dụng của người dân.
Đáng chú ý, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, tăng cường đổi mới sáng tạo trong thiết kế và phân phối sản phẩm, dịch vụ tài chính theo hướng đơn giản, tiện lợi, dễ sử dụng, giảm chi phí, phù hợp nhu cầu, khả năng chi trả của người dân, DN, đặc biệt DN nhỏ và vừa, dân cư nông thôn, vùng sâu, vùng xa, người có thu nhập thấp, người yếu thế.
Kế hoạch đặt ra các chỉ tiêu cụ thể: Phấn đấu đến cuối năm 2025, ít nhất 60% người trưởng thành có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác; tiến tới mục tiêu mỗi người có ít nhất một tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác vào năm 2030.
Bên cạnh đó là các chỉ tiêu: Ít nhất 25% tổng số xã có điểm cung ứng dịch vụ tài chính (chi nhánh, phòng giao dịch của tổ chức tín dụng và đại lý ngân hàng, ngoại trừ điểm cung ứng dịch vụ tài chính của Ngân hàng CSXH); ít nhất 25% hộ gia đình gửi tiết kiệm tại tổ chức tín dụng. Số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt tốc độ tăng 10 - 17%/năm. Ít nhất hơn 1.200 DN nhỏ và vừa trên địa bàn có dư nợ tại các tổ chức tín dụng; dư nợ tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế đạt 25%.
HOÀNG ANH