Văn phòng Chủ tịch nước công bố 10 luật có hiệu lực từ năm 2021
Sáng 10.7, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước CHXHCNVN về 10 luật đã được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 9.
Theo đó, căn cứ Điều 88 và Điều 91 của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; căn cứ Điều 80 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Chủ tịch nước công bố: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án; Luật Thanh niên 2020; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; Luật Doanh nghiệp; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.
Văn phòng Chủ tịch nước họp báo
Các luật này có hiệu lực thi hành từ 1.1.2021; Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều có hiệu lực thi hành từ 1.7.2021.
Trong số 10 luật được kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV thông qua, có 5 luật mới lần đầu ban hành, gồm: Luật Đầu tư; Luật Doanh nghiệp; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Thanh niên 2020; Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án.
Theo giới thiệu của đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc ban hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) nhằm bảo đảm tính đặc thù của đầu tư PPP tạo môi trường pháp lý ổn định hơn cho doanh nghiệp, tránh tình trạng “vay mượn” quy định của các pháp luật khác. Cùng với đó, việc xây dựng khung pháp lý có hiệu lực cao hơn, ổn định hơn giúp tránh được các rủi ro cho nhà đầu tư trong trường hợp thay đổi chính sách.
Luật Doanh nghiệp gồm 10 chương, 218 điều, với những cải cách quan trọng nhất, gồm: Cắt giảm thủ tục hành chính và tạo thuận lợi hơn cho việc đăng ký doanh nghiệp, gia nhập thị trường; Nâng cao khung khổ pháp lý về quản trị doanh nghiệp và nâng cao mức độ bảo vệ nhà đầu tư, cổ đông theo chuẩn mực, thông lệ quốc tế tốt và phổ biến; Nâng cao hiệu lực quản trị và hiệu quả hoạt động doanh nghiệp có sở hữu nhà nước; Thúc đẩy phát triển thị trường vốn nhằm đa dạng hóa nguồn vốn cho sản xuất, đầu tư kinh doanh; Tạo thuận lợi hơn cho tổ chức lại và mua bán doanh nghiệp.
Luật Đầu tư gồm 7 chương, 77 điều và 4 phụ lục, quy định về nguyên tắc áp dụng luật đầu tư và các luật có liên quan; về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; về chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư; về thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư và thực hiện dự án đầu tư; về quản lý nhà nước và bảo đảm an ninh, quốc phòng.
Thông tin về Luật Thanh niên 2020, đại diện Bộ Nội vụ cho biết, Luật có 7 chương, 41 điều, sẽ thay thế Luật Thanh niên 2005. Luật Thanh niên 2020 quy định 8 điểm mới cơ bản: Thứ nhất, không quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của thanh niên mà quy định vai trò, trách nhiệm của thanh niên. Thứ hai, quy định nguyên tắc bảo đảm thực hiện quyền, nghĩa vụ của thanh niên và chính sách của Nhà nước đối với thanh niên. Thứ ba, quy định nguồn lực thực hiện chính sách của Nhà nước đối với thanh niên. Thứ tư, quy định Tháng Thanh niên, Đối thoại với thanh niên. Theo đó, tháng 3 hàng năm sẽ là Tháng Thanh niên. Thứ năm, quy định về chính sách đối với thanh niên. Thứ sáu, trách nhiệm của tổ chức thanh niên. Thứ bẩy, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, cơ sở giáo dục, gia đình đối với thanh niên. Thứ tám, quy định về quản lý Nhà nước về thanh niên.
Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án gồm 4 chương, 42 điều, quy định về nguyên tắc hòa giải, đối thoại tại tòa án; Chính sách của Nhà nước đối với hoạt động hòa giải, đối thoại tại tòa án; Trách nhiệm của TAND trong hoạt động hòa giải, đối thoại tại tòa án; Điều kiện bổ nhiệm Hòa giải viên; Trình tự, thủ tục hòa giải, đối thoại và công nhận kết quả hòa giải, đối thoại tại tòa án.
Theo VOV