Thực hiện mô hình “Cánh đồng mẫu lớn”:
Hiệu quả kinh tế cao
Từ kết quả khả quan của các mô hình cánh đồng mẫu lớn (CĐML) đã được thực hiện tại một số địa phương trong tỉnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng, chính quyền các địa phương nhân mô hình này ra diện rộng trong vụ Đông Xuân (ĐX) 2012-2013. Các CĐML đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập cho nông dân.
Thực hiện cánh đồng mẫu lớn giúp nông dân giảm chi phí đầu vào, tăng hiệu quả sản xuất.
- Trong ảnh: Nông dân tham quan cánh đồng mẫu lớn tại xã Bình Nghi - huyện Tây Sơn.
Xây dựng CĐML tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung khép kín, có sự tham gia của “4 nhà” (Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông, nhà doanh nghiệp), gắn với hoạt động tiêu thụ và chế biến sản phẩm nông nghiệp nhằm tăng hiệu quả sản xuất là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, đã và đang được tỉnh ta thực hiện, bước đầu mang lại hiệu quả.
Thắt chặt mối liên kết “4 nhà”
Vai trò, trách nhiệm của “4 nhà” thể hiện rất rõ qua xây dựng CĐML trong vụ sản xuất ĐX 2012-2013 tại các địa phương trong tỉnh. Trong đó, Nhà nước tham gia vào mối liên kết với vai trò hỗ trợ, điều phối thông qua các chính sách khuyến khích và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, quy hoạch vùng sản xuất, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, xúc tiến thương mại, đồng thời là người kiểm tra, giám sát và bảo đảm tính pháp lý cho việc thực hiện hợp đồng giữa các bên. Cụ thể, Sở NN-PTNT tỉnh đã hướng dẫn các địa phương xây dựng CĐML theo 8 tiêu chí của Bộ NN-PTNT; chủ động liên hệ và mời các doanh nghiệp (DN) tham gia xây dựng CĐML. Chính quyền các địa phương cũng đã lựa chọn vùng quy hoạch diện tích đất sản xuất gắn với việc xây dựng nông thôn mới, vận động nông dân tham gia xây dựng CĐML. Nhà khoa học là các đơn vị trực thuộc Sở NN-PTNT và ngành chức năng trực thuộc Phòng NN-PTNT, Phòng Kinh tế các địa phương đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật giúp nông dân chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh theo phương pháp 4 đúng, nhằm giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả sản xuất. DN chủ động phối hợp với nhà khoa học giúp nông dân trong việc áp dụng kỹ thuật, hỗ trợ một phần giá thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hoặc cho nông dân ứng trước giống và vật tư phân bón không tính lãi suất, đến cuối vụ thanh toán lại cho DN; một số DN bao tiêu sản phẩm với giá có lợi cho nông dân. Các nông hộ trực tiếp tham gia mô hình, thực hiện có hiệu quả vùng quy hoạch; áp dụng quy trình kỹ thuật, đầu tư, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, tăng hiệu quả sản xuất, thực hiện nghiêm túc hợp đồng đã ký kết với DN.
Qua nhân rộng mô hình CĐML trên địa bàn tỉnh, với sự tích cực tham gia và thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của mỗi bên trong mối liên kết “4 nhà”, đã góp phần tạo nên sự thành công của mô hình CĐML trong vụ ĐX 2012-2013.
Vụ ĐX 2012-2013, có 11/11 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh xây dựng 53 CĐML sản xuất lúa, với diện tích 2.174 ha; 2 CĐML sản xuất đậu phụng, diện tích 100 ha và 4 CĐML sản xuất mía, diện tích 167 ha, với hàng chục ngàn nông hộ tham gia. Có hơn 10 DN tham gia xây dựng CĐML tại các địa phương, hỗ trợ nông dân đầu tư sản xuất. Thực tế cho thấy, trong vụ ĐX 2012-2013, có rất nhiều yếu tố khách quan tác động xấu đến sản xuất, nhưng nhờ sự liên kết và sự phối hợp chặt chẽ giữa 4 nhà, nên nông dân đã khắc phục kịp thời những khó khăn, vướng mắc nảy sinh, góp phần vào thành công chung trong việc xây dựng CĐML tại các địa phương.
Tây Sơn là một trong những địa phương thực hiện có hiệu quả CĐML. Vụ ĐX 2012-2013, bà con nông dân ở đây đã xây dựng 4 CĐML sản xuất lúa tại các xã: Bình Nghi, Tây Thuận, Bình Tường, Tây Vinh, diện tích 216 ha. Hầu hết các CĐML ở Tây Sơn đều đạt hiệu quả kinh tế cao, nông dân rất phấn khởi.
Nông dân Nguyễn Ngọc Trợ, tham gia sản xuất 22 sào lúa giống Syn 6 ở CĐML xã Bình Nghi, cho biết: “Hơn 30 năm gắn bó với ruộng đồng, chưa bao giờ tôi thấy cây lúa cho năng suất cao như vụ sản xuất này; bình quân mỗi sào đạt 4 tạ, cao gần gấp rưỡi so với các giống lúa khác mà tôi thường sử dụng”. ông Đỗ Văn Sỹ, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn, cho biết: “Hầu hết các CĐML sản xuất lúa ở Tây Sơn đều đạt yêu cầu; năng suất lúa bình quân đạt từ 75 tạ/ha trở lên, lãi cao hơn nhiều so với ruộng lúa đối chứng. Huyện sẽ tiếp tục duy trì và mở rộng diện tích, đối tượng tham gia CĐML ở những mùa vụ tới”.
Huyện Hoài Ân cũng rất thành công trong thực hiện CĐML. Ông Nguyễn Ngọc Tề, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hoài Ân, cho biết: “Tuy thời tiết bất lợi, việc thực hiện CĐML trong vụ ĐX vừa qua gặp nhiều khó khăn, song nhờ sự nỗ lực của “4 nhà” nên hầu hết các CĐML đều đạt hiệu quả cao; năng suất bình quân đạt 70 tạ/ha, đảm bảo nông dân có lãi từ 40% trở lên, nên bà con rất phấn khởi”.
Nông dân tham gia xây dựng CĐML tại các địa phương khác trong tỉnh cũng rất hài lòng khi giảm được chi phí đầu tư, tăng giá trị kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích. Ngoài việc cho nông dân ứng trước vật tư, phân bón, nhiều DN tham gia xây dựng CĐML còn thu mua toàn bộ nông sản với giá có lợi cho nông dân và cam kết tiếp tục hỗ trợ chính quyền và nông dân mở rộng diện tích CĐML càng làm cho họ vui hơn.
Ông Hồ Ngọc Hùng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: “Hầu hết CĐML tại các địa phương đều hội đủ các tiêu chí của Bộ NN-PTNT đề ra, như: Có quy hoạch vùng sản xuất phù hợp với quy hoạch chung; có quy mô từ 30-50 ha trở lên, nông dân tự nguyện tham gia sản xuất; có DN tham gia hỗ trợ; chính quyền địa phương và HTXNN thực hiện một số dịch vụ, cam kết hỗ trợ về kỹ thuật, tổ chức sản xuất; hiệu quả kinh tế mô hình cao hơn bình thường, đảm bảo nông dân có lãi từ 40% trở lên”.
Cũng theo ông Hồ Ngọc Hùng: Thông qua việc xây dựng CĐML, Nhà nước và nhà khoa học đều đã rút ra được những bài học kinh nghiệm trong việc điều hành chỉ đạo quy hoạch sản xuất và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, phòng trừ sâu bệnh cho nông dân. Bà con có điều kiện tiếp cận và áp dụng được tiến bộ kỹ thuật vào thực tế sản xuất, tạo ra sản phẩm chất lượng, nâng cao hiệu quả đầu tư. DN có điều kiện tiêu thụ được sản phẩm, chủ động hoạt động sản xuất kinh doanh. Điều đó cho thấy, thực hiện CĐML mang lại rất nhiều lợi ích, góp phần thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển bền vững hơn. Bởi vậy, chúng tôi đề nghị các địa phương tiếp tục duy trì và mở rộng diện tích CĐML gắn với việc xây dựng nông thôn mới. Ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi giúp các địa phương thực hiện có hiệu quả các CĐML”.
PHẠM TIẾN SỸ