TRƯỜNG THPT LÝ TỰ TRỌNG KỶ NIỆM 20 NĂM THÀNH LẬP:
Mãi mãi một niềm tin
Ngày 11.4.2000, Trường THPT Lý Tự Trọng đóng trên địa bàn xã Hoài Châu Bắc (TX Hoài Nhơn) được thành lập theo Quyết định của UBND tỉnh. Sau bao nỗ lực vượt khó trong suốt hành trình 20 năm xây dựng và phát triển, các thế hệ thầy và trò nhà trường có thể ngẩng cao đầu bước về phía trước với niềm tự hào về những kết quả, thành tích đã đạt được.
Tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên Trường THPT Lý Tự Trọng.
“Đất khó” nở hoa
Mảnh đất xây Trường THPT Lý Tự Trọng hiện nay từng là khu nghĩa địa, dày đặc mồ mả, bom mìn. Trước khi khởi công xây dựng, người ta phải rà phá hàng chục trái bom bi, cối 81, M79 và cất bốc, di dời 164 ngôi mộ. Trường được xây nhằm đáp ứng nhu cầu học tập cho con em người dân 4 xã phía Bắc của thị xã. Ngôi trường có diện tích 20.000 m2 ở một vị trí thuận lợi cho việc đi lại của học sinh 4 xã phía Bắc đã làm người dân hết sức mừng vui, phấn khởi.
Năm học đầu tiên, trường tổ chức hai cấp học THCS và THPT với 26 lớp, 1.280 học sinh nhưng vỏn vẹn chỉ có 12 phòng học cũ. Ngày 17.8.2000, khi chỉ còn 20 ngày nữa là đến lễ khai giảng năm học đầu tiên, để giải quyết tình trạng thiếu phòng học, Ban giám hiệu đã họp với lãnh đạo 4 xã và thống nhất xây thêm 1 phòng học, kinh phí do nhân dân 4 xã đóng góp. Thế là chỉ trong vòng 18 ngày, một phòng học mới 64 m2 được xây xong. Tốc độ như thời chiến tranh chống Mỹ. Nhà trường đặt tên phòng này là phòng số 0. Tổng chi phí hết 15,5 triệu đồng. Nhu cầu học tập lại tiếp tục tăng cao, trường đã tham mưu UBND thị xã và xã cấp thêm đất để mở rộng quy mô. 15.000 m2 đất nông nghiệp màu mỡ tiếp tục được người dân tình nguyện giao cho trường để thực hiện sứ mệnh “trồng người”. Từ năm 2003 trở đi, trường luôn có trên 40 lớp với gần 2.000 học sinh.
“Nếu cần một minh chứng nào về phong trào “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, cần một ví dụ nào cho câu ca dao Bác Hồ thường nhắc cán bộ trong ứng xử với nhân dân là: Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong, thì Trường THPT Lý Tự Trọng có lẽ là một điển hình có sức thuyết phục” - thầy Hiệu trưởng đầu tiên của nhà trường Mai Anh Dũng ghi nhận.
Nhà trường luôn nỗ lực xây dựng môi trường học tập lành mạnh, kỷ cương, thân thiện, chất lượng, tạo điều kiện để mỗi học sinh có cơ hội rèn luyện kỹ năng và phát triển năng lực bản thân.
Vinh dự và tự hào
Có trường, có lớp, thầy và trò toàn trường luôn ý thức phải thi đua Dạy tốt - Học tốt. Đội ngũ ban giám hiệu, hội đồng sư phạm các thế hệ hòa đồng, khiêm tốn học hỏi nhau, đoàn kết cùng vượt khó, phát triển nhà trường. Ban giám hiệu luôn tôn trọng, lắng nghe nhau. Đội ngũ giáo viên được tạo nhiều điều kiện thuận lợi để học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tham dự các kỳ thi giáo viên dạy giỏi các cấp. Nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện của ngành GD&ĐT, đội ngũ cán bộ quản lý, kể cả giáo viên nỗ lực thích nghi, thay đổi để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và sự phân công của cấp trên. Nhờ đó, chất lượng giáo dục của trường ngay từ năm đầu thành lập đã ở mức khá và không ngừng được nâng dần lên trong từng năm học tiếp theo.
Nhiều năm liền, nhà trường đạt danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc, được Chủ tịch UBND tặng bằng khen. Năm học 2015 - 2016, Trường vinh dự được nhận Cờ thi đua của Bộ GD&ÐT. Năm 2016, Trường kiểm định chất lượng đạt mức độ 3 và được công nhận đạt chuẩn Quốc gia giai đoạn 1 năm 2017. Ðặc biệt, năm học 2018 - 2019, Trường vinh dự được nhận Cờ Thi đua của Chủ tịch UBND tỉnh vì có thành tích xuất sắc, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu thi đua và nhiệm vụ năm học, nhiều bằng khen, giấy khen của các tập thể và cá nhân…
20 năm qua, Trường THPT Lý Tự Trọng đã có 17 khóa với hơn 7.000 học sinh tốt nghiệp, tỷ lệ hằng năm đều đạt và vượt mặt bằng chung toàn tỉnh. Trường đã có hơn 13 giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, 1 giáo viên đạt danh hiệu giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp tỉnh, hơn 300 học sinh giỏi cấp tỉnh, 11 học sinh giỏi cấp quốc gia. Bên cạnh nỗ lực dạy tốt - học tốt, nhà trường còn quan tâm đến phong trào văn hóa, văn nghệ, TDTT, rèn luyện đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, giúp các em phát triển toàn diện.
Từ ngôi trường này ra đi, bao thế hệ học sinh đã bay cao, bay xa, trở thành những tiến sĩ, kỹ sư, giảng viên, bác sĩ, những doanh nhân thành đạt… trong và ngoài nước. Có thể kể đến một số gương mặt tiêu biểu như: TS Hồ Anh Tuấn, đang công tác tại Sandia National Laboratories (USA); Nguyễn Thiện Khải, Tổng Giám đốc Công ty Đại Lợi Phát (TP Hồ Chí Minh); Th.S Cao Kỳ Nam, Giảng viên Trường ĐH Quy Nhơn; Th.S Trần Đức Sự, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Khoa học & Công nghệ trẻ TP Hồ Chí Minh…
Thời gian tới, nhà trường tiếp tục xây dựng môi trường học tập lành mạnh, kỷ cương, thân thiện, chất lượng, để mỗi học sinh đều có cơ hội rèn luyện kỹ năng và phát triển năng lực bản thân một cách tốt nhất. Tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên, công nhân viên; tích cực đổi mới phương pháp dạy học, đánh giá học sinh theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo. Đầu tư tập trung các nguồn lực để nâng cao con số: Giáo viên giỏi các cấp, học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia. Chủ động ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy - học và công tác quản lý. Áp dụng các chuẩn vào việc đánh giá hoạt động của nhà trường về công tác quản lý, giảng dạy. Xây dựng văn hóa nhà trường phù hợp với hệ thống các giá trị cơ bản. Huy động các nguồn lực để phát triển nhà trường.
Th.S NGUYỄN THANH THẠCH
(Hiệu trưởng Trường THPT Lý Tự Trọng)