Kiên quyết xử lý nạn lấn chiếm lòng đường, vỉa hè ở Quy Nhơn
Thời gian gần đây, tình trạng tái lấn chiếm vỉa hè, lòng đường tràn lan trên địa bàn TP Quy Nhơn. Ðể lập lại trật tự đô thị, ngành chức năng thành phố tổ chức ra quân (từ ngày 1 đến 31.7) xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
Lực lượng liên ngành xử lý các trường hợp vi phạm lòng lề đường.
19 giờ, một tối đầu tuần này, theo chân tổ công tác liên ngành về trật tự đô thị TP Quy Nhơn (gồm lực lượng CSGT - TT; Đội trật tự đô thị) tuần tra các tuyến phố đang là điểm nóng về lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường. Khi tổ công tác có mặt trên đường Ngô Mây đoạn gần khu vực Quảng trường Nguyễn Tất Thành, các xe hàng rong nhanh chóng gọi nhau di chuyển. Nhưng đã bị lực lượng chức năng lập biên bản tạm giữ phương tiện vì hành vi lấn chiếm lòng lề đường làm nơi buôn bán. Anh Tùng bán trà tắc, trái cây lắc ở khu vực này, thừa nhận: “Tôi biết việc buôn bán không đúng nơi quy định của mình là sai, nhưng vì khu vực này có đông người qua lại nên tiện cho việc buôn bán. Trước đây, tôi cũng bị thu giữ phương tiện và phạt 1lần rồi, nên tôi sẽ không dám liều nữa”. Còn anh Trần Ngọc Kỳ (phường Thị Nại, TP Quy Nhơn) bị tạm giữ phương tiện vì dựng xe ở dưới lòng đường và không xuất trình được giấy tờ liên quan. Anh giãi bày: “Vì thấy nhiều xe đã dựng vậy nên làm theo. Đây cũng là bài học về tuân thủ quy định, để cho tôi tránh không bị xử phạt như thế này nữa”.
Thực tế cho thấy, trên địa bàn thành phố còn rất nhiều “điểm đen” về lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường. Trong đó, có những tuyến đường bị lấn chiếm tràn lan như: Khu vực vòng xoay Quảng trường Nguyễn Tất Thành (điểm tiếp giáp của các phường: Ngô Mây, Trần Phú, Lý Thường Kiệt) và dọc tuyến đường Nguyễn Thị Định, Xuân Diệu… Nhiều hộ kinh doanh lấn chiếm vỉa hè, lề đường, đặt bàn ghế để mua bán, hoặc làm chỗ để xe cho khách, thậm chí có những nơi để xe đến 2 - 3 lớp dưới lòng đường. Tình trạng này gây ách tắc giao thông, phiền hà cho người dân, mất mỹ quan đô thị. Ông Nguyễn Văn Thuận, người dân sống trên đường Xuân Diệu, phàn nàn: “Cứ vào tầm 18 giờ là khu vực này bắt đầu đông nghẹt, xe cộ qua lại còn khó khăn chứ nói gì chỗ dành cho người đi bộ. Đành rằng mưu sinh nhưng cũng nên tuân thủ quy định của pháp luật, chứ ai cũng tràn xuống đường để bán quán thì nguy hiểm quá”.
Nằm trong kế hoạch cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, đảm bảo ANTT bảo vệ Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Quy Nhơn lần thứ XIV (nhiệm kỳ 2020 - 2025, từ ngày 1 đến 31.7), CA TP Quy Nhơn ra quân xử lý mạnh đối với hành vi đậu đỗ xe trái quy định, đồng thời phối hợp tổ công tác liên ngành về trật tự đô thị của UBND thành phố kiên quyết xử lý tình trạng lấn chiếm vỉa hè, buôn bán hàng rong. Thiếu tá Nguyễn Tiến Lợi, Phó Đội trưởng CSGT - TT, CA TP Quy Nhơn, cho biết: “Hiện nay trên địa bàn, việc buôn bán hàng rong ngày càng nhiều, bên cạnh đó tình trạng lấn chiếm lòng đường để dựng xe cũng khá phổ biến. Vì vậy, chúng tôi xác định những tuyến, khu vực phức tạp để bố trí lực lượng tuần tra theo từng khung giờ nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Cụ thể, mỗi ngày lực lượng xử lý từ 30 - 50 trường hợp vi phạm. Trong quá trình xử lý những trường hợp vi phạm chúng tôi vừa giải thích vừa thông báo lỗi và đa phần người vi phạm đều nhận thấy hành vi của mình là sai và chấp nhận để lực lượng xử lý theo quy định”.
Được biết, sau 1 tuần ra quân quyết liệt, CA TP Quy Nhơn nói riêng và lực lượng liên ngành nói chung đã xử lý trên 200 trường hợp vi phạm, trong đó tập trung xử lý hành vi đậu đỗ xe dưới lòng đường trái quy định pháp luật và buôn bán hàng rong dưới lòng đường. Tính từ đầu năm đến nay CA TP Quy Nhơn đã xử lý gần 1.000 trường hợp vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính hơn 600 triệu đồng. Tuy nhiên, có một thực tế, khi lực lượng chức năng ra quân lập lại trật tự đô thị thì vỉa hè, lòng đường trở nên thông thoáng, nhưng khi lực lượng đi khỏi thì nhiều nơi lại tái vi phạm. Do đó, để trả lại đường thông hè thoáng, góp phần tạo dựng môi trường đô thị an toàn, văn minh, sạch đẹp và là điểm đến hấp dẫn cho du khách thì bên cạnh sự quyết liệt của ngành chức năng thành phố, thì sự chủ động từ các địa phương sở tại là rất cần thiết và quan trọng là ý thức của chính các hộ kinh doanh.
K.ANH