Chuyện của Diễm
Nguyễn Thị Diễm, 30 tuổi, ở khu phố Trung Hóa, phường Tam Quan Nam (TX Hoài Nhơn) có tuổi thơ đầy nước mắt khi mới ba tháng tuổi, ba mẹ chia tay rồi mỗi người có gia đình riêng. Diễm ở với bà nội, khóc nhớ hơi ấm mẹ, nhớ bầu sữa ngọt đến mờ dần đôi mắt. Bà nội sau đó cũng bị tai biến, nằm một chỗ, thính giác yếu dần. Diễm phải mò mẫm theo mọi người vào rừng bóc vỏ bạch đàn để mưu sinh và nuôi bà.
Diễm cùng chồng thường xuyên chuyện trò với nhau.
“Cuộc đời tôi được bước sang một trang mới tươi sáng hơn khi nhờ cầu nối là người - mẹ - ruột giới thiệu vào Hội Người mù tỉnh Bình Định”, Diễm thừa nhận vậy. Hội Người mù tỉnh đã gửi Diễm đi học nghề massage ở Khánh Hòa. Học xong, Diễm xin vào làm ở một cơ sở massage người mù tại Quy Nhơn, có một mức thu nhập ổn định. Được lao động, được sống với những người đồng tật, được giao tiếp với xã hội, Diễm được mở mang kiến thức, tìm được sự sẻ chia nên lạc quan yêu đời hơn trước. Với sự phát triển của công nghệ thông tin và phần mềm âm thanh hỗ trợ người mù, Diễm có thể sử dụng điện thoại cảm ứng gọi điện, đọc báo, lướt facebook… “Điều mà lúc ở quê, chôn mình trong góc phòng tối vì mặc cảm bủa vây và tủi phận, tôi không thể nào tưởng tượng ra. Cũng chính nhờ phương tiện truyền thông mà tôi quen được chồng tôi - một người mù ở Hội Người mù TX Hoài Nhơn. Tôi kết hôn năm 27 tuổi. Vợ chồng tôi đã có 1 cháu gái 2 tuổi rất đáng yêu”, Diễm mỉm cười chia sẻ về hạnh phúc của mình.
Gặp vợ chồng Diễm tại TP Quy Nhơn khi cả hai vào dự Hội nghị điển hình tiên tiến do Hội Người mù tỉnh tổ chức, nhìn hai vợ chồng quấn quýt, lo lắng cho nhau, thi thoảng mở điện thoại trò chuyện với cô con gái nhỏ, tôi nhìn thấy hình ảnh một cô gái mù thật nghị lực, đẹp đẽ và đáng yêu. Diễm tâm sự: “Mỗi sớm mai thức giấc, tôi lại cảm ơn cuộc đời này. Anh là con trai một nên hai vợ chồng về ở với bên nội ở phường Tam Quan Nam (TX Hoài Nhơn). Tuy cuộc sống còn nhiều khó khăn và bận rộn nhưng tôi và chồng thường xuyên về thăm bà nội của tôi. Mỗi lần gặp, bà ôm chặt tôi vào lòng, xoa đầu bảo bà đã yên tâm rồi, giờ có thể nhắm mắt. Tận đáy lòng, tôi mang ơn bà, mang ơn Hội Người mù tỉnh và luôn thầm mong những người mù đồng cảnh hãy nỗ lực vươn lên, vượt mọi mặc cảm, khó khăn của một người khuyết tật để sống đàng hoàng, tự nuôi sống mình, tìm kiếm hạnh phúc như tôi vậy”.
KHÁNH HUÂN