Nhà thơ Lê Văn Hiếu: Đằm sâu một góc quê nhà
Lê Văn Hiếu là tác giả vừa đạt giải B cuộc thi Sáng tác văn học Bình Ðịnh mở rộng năm 2018 - 2019. 10 tuổi viết thơ, đến năm lớp 8, anh đã “gầy” một cuộc đọc thơ với nhau tại quê nhà Nhơn Khánh (TX An Nhơn). Với anh đó là một “sự kiện” vui, nhưng cũng cho thấy niềm đam mê nồng cháy để rồi gắn bó với thơ suốt chặng đường dài...
Nhà thơ Lê Văn Hiếu (thứ 2, từ trái sang) nhận giải B tại Lễ trao giải thưởng Sáng tác Văn học Bình Định mở rộng năm 2018 - 2019.
Lê Văn Hiếu viết nhiều, đa dạng thể loại, nhưng trong sáng tác của anh có nhiều bài thơ ưu ái cho quê hương. Năm 1992, anh rời Bình Định lên Lâm Đồng sinh sống. Nhưng người thơ ấy luôn dành cho quê hương những dòng thơ trữ tình, trong cái cúi đầu hàm ơn.
● Lê Văn Hiếu sinh năm 1962, quê ở TX An Nhơn; hiện anh đang ở Lâm Hà, Lâm Ðồng. Tác phẩm đã xuất bản: Tự tình (thơ, 1989); Khi mặt trời chưa mọc (thơ, 2002); Đêm đom đóm (Tập thơ thiếu nhi, 2008); Dưới vòm cây - tôi nợ (thơ, 2012); Hành hương tìm về mây trắng (thơ, 2013); Cứ thế mà lớn lên (thơ, 2016); CD Những giọt nước không màu (thơ tuyển, 2016), Âm vọng Rừng (thơ, 2018)…
● Anh từng đạt giải nhì cuộc thi Thơ ca & Nguồn cội; giải B Cuộc thi Sáng tác Văn học Bình Ðịnh mở rộng năm 2018 - 2019…
Phảng phất trong nhiều bài thơ của anh là con người, văn hóa Bình Định. Mỗi bận về quê, Lê Văn Hiếu lại thăm lại bạn xưa, ngồi cùng bằng hữu. Ly rượu được rót ra vơi đầy niềm nỗi, cay cay lên bao câu chuyện, bao hoài niệm: “Thương nhớ quá, ngụm rượu ngon Bầu đá/ Nước sông Kôn ngấm đọng tận trong lòng/ Xuân ngồi hát, riết tình thân quá đã/ Lọc bọt bèo để nhận chút sôi tăm” (Nhớ rượu Bầu đá ở quê).
Về sau, khi sinh con đẻ cái “bén rễ” với đất mới, nỗi nhớ quê không thường trực như trước. Nhưng trong vùng thẳm thức, quê cha đất mẹ vẫn còn hằn in, gắn chặt hành trình đời anh. “Định sửa soạn xông hơi, và cởi hồn mình ra gội rửa/ Ngày xưa mẹ đã hơ hấp ta bằng lửa quê nhà/ Tắm nước Dừa trong xanh thanh thủy/ Sú vài hạt muối mặn, mớm miếng cơm nhai nhuyễn/ Cứ thế mà lớn lên (Cứ thế mà lớn lên).
Nơi anh ở hiện tại có 25 dân tộc sinh sống. Anh nói, hình như do đất núi gia vị vô thơ mình. Chẳng vậy mà anh viết về vùng đất mới - quê hương thứ hai, về con người nơi anh lập nghiệp mấy chục năm nay, bằng cái nhìn đầy tha thiết nồng nàn: “Trái tim ta, căng cao rồi đó/ Trên miệng trẻ con cười/ Trên mắt trẻ con thiu thiu ngủ/ Như là chiêm bao/ Ta hít sâu men lá/ Hít sâu hơi thở rừng/ Cái Bụng ta no đầy rượu và sữa/ Cứ căng tròn đôi vú héo, đến chon von” (Ngực núi).
Viết thơ, làm thơ với Lê Văn Hiếu đã vượt qua ngưỡng của thói quen, của niềm đam mê. Anh viết như con người ta cần ăn để sống, cần hít thở. Có lúc anh thổ lộ, càng viết anh lại có cảm giác như chưa viết được gì. Anh luôn khao khát cái mới. Từng ngày một, mọi thứ òa ập đến anh đầy mãnh liệt, thôi thúc, rồi vỡ ra thành câu, thành chữ.
Càng về sau, thơ Lê Văn Hiếu càng thể hiện rõ cái chắc đằm trong xử lý kỹ thuật, nén chặt cảm xúc trong những câu chữ gọn, gợi. Thơ anh thô ráp, góc cạnh, giàu chất suy nghiệm. PGS.TS Hồ Thế Hà nhìn nhận: “Lê Văn Hiếu nỗ lực không ngừng làm mới thơ mình. Anh tiếp cận với lối thơ hiện đại, triết lý nhưng không lên gân, cho thấy sự nghiệm sinh trong anh đã thành máu thịt và đặc biệt luôn nhìn đời bằng cái nhìn va chạm, quan hệ tương sinh”.
Lê Văn Hiếu đang lọc chọn lại sáng tác của mình để in tập. “Là hai tập, trong năm nay, để mình ghi dấu một chặng đường và bước tiếp một chặng đường mới”, anh chia sẻ. Thời gian gần đây, thơ Lê Văn Hiếu xuất hiện với tần suất dày đặc trên các tờ báo, tạp chí trên cả nước. Ai cũng đều nhận ra, anh đang thời kỳ sung mãn trong sáng tác. Càng viết càng hăng, càng viết càng hay. Và ở hành trình sáng tạo không ngừng nghỉ ấy, trong một phần thơ anh luôn có dáng dấp của quê nhà, yêu thương và trân trọng.
NGÔ PHONG