Kiểm soát thị trường thực phẩm chức năng
Nhu cầu làm đẹp, tăng cường sức khỏe của người dân ngày một tăng, sản phẩm thực phẩm chức năng theo đó nở rộ. Tuy nhiên, không ít cơ sở lợi dụng tâm lý này để sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng, sản phẩm gắn mác nhập ngoại hoặc dưới dạng thuốc đông y gia truyền... lừa đảo người tiêu dùng.
Cục Quản lý thị trường tỉnh tiến hành tiêu hủy các sản phẩm, hàng hóa vi phạm, trong đó có thực phẩm chức năng.
“Vàng thau lẫn lộn”
Hiện nay, thực phẩm chức năng không còn xa lạ với người tiêu dùng. Sản phẩm được bán khá phổ biến, từ cửa hàng, siêu thị, nhà thuốc bán cố định cho đến sản phẩm xách tay, online trên các website, trang mạng xã hội… Mặc dù thị trường thực phẩm chức năng phát triển mạnh, song chất lượng vẫn còn nhiều quan ngại. Bên cạnh những cơ sở sản xuất, kinh doanh chân chính, sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng, vẫn còn một số lượng không nhỏ cơ sở sản xuất sẵn sàng bất chấp quy định pháp luật sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng. Đặc biệt, còn tồn tại tình trạng “thổi phồng” công dụng, tính năng của thực phẩm chức năng.
Trong năm 2019, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã ra quyết định thu hồi sản phẩm thực phẩm chức năng nổi tiếng được quảng bá có tác dụng làm đẹp, giảm cân như: Trà thảo mộc nhãn hiệu Vy&Tea; trà thảo mộc Hoa Sâm Đất; thuốc giảm cân Đông y gia truyền họ Nguyễn; thuốc tăng, giảm cân Đông y Tiến Hạnh; trà giảm cân Cường Anh... Cơ quan chức năng đã chỉ ra, những sản phẩm thực phẩm chức năng này có chứa chất cấm Sibutramine tạo cảm giác no và không thèm ăn, nhưng tăng nguy cơ co giật, đau tim, loạn nhịp tim và đột quỵ. Dù vậy, những sản phẩm này vẫn được rao bán rầm rộ trên các “chợ mạng”.
Tại Bình Định, 6 tháng đầu năm nay, Đội Quản lý thị trường số 3 phối hợp Phòng Cảnh sát kinh tế (CA tỉnh) phát hiện 3 trường hợp vi phạm lưu thông thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không hóa đơn chứng từ. Đó là vụ ô tô tải biển kiểm soát 89C-188.73 do ông Chu Văn Hội (tỉnh Hưng Yên) điều khiển có chở 1.345 hộp thuốc viên uống các loại, 327 đơn vị sản phẩm mỹ phẩm. Trường hợp ô tô tải 77C-128.81 do ông Hoàng Trọng Cường (xã Mỹ Cát, huyện Phù Mỹ) điều khiển chở 210 bột đựng trong lọ nhựa, 95 bì thuốc gia truyền trị nám, cùng nhiều sản phẩm mỹ phẩm làm đẹp. Hay trường hợp ô tô tải 89C-206.01 do ông Nguyễn Trần Khanh (huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) điều khiển chở 14 chai mỹ phẩm, 17 hũ thuốc các loại…
Chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết (37 tuổi, ở phường Lý Thường Kiệt, TP Quy Nhơn), chia sẻ: “Tôi được người bạn quảng cáo trà uống để giảm cân, colagen làm từ thảo dược, nên mua dùng thử. Tháng đầu tiên sử dụng cũng thấy có công hiệu thật, vì cảm giác ít đói, không muốn ăn, giảm được khoảng 2 kg. Nhưng sau thời gian, cảm giác uể oải, buồn ngủ, đau nhức cơ thể, sợ quá tôi dừng luôn!”.
Cần kiểm soát chặt
Ông Lê Cảnh Sơn, Chánh Thanh tra Sở Y tế, cho biết: “Từ năm 2018 đến nay, thanh tra Sở đã kiểm tra 196 cơ sở sản xuất và kinh doanh thực phẩm chức năng. Trong đó có 4 cơ sở sản xuất, 24 cơ sở kinh doanh, 3 phòng chẩn trị y học cổ truyền, 7 công ty và chi nhánh công ty, và 158 nhà thuốc, quầy thuốc có kinh doanh thực phẩm chức năng. Thanh tra Sở đã lấy 4 sản phẩm thực phẩm chức năng gửi kiểm nghiệm 13 chỉ tiêu hóa lý, kết quả đều đảm bảo an toàn theo quy định”.
Trong khi đó, ông Trần Đức Tiến, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh cho hay, hệ thống quy định pháp luật về điều kiện sản xuất, kinh doanh mặt hàng sản phẩm thực phẩm chức năng còn khá lỏng lẻo, dẫn đến rất khó xử lý sản phẩm trôi nổi trên thị trường. Đơn vị từng thu giữ số lượng mặt hàng thực phẩm chức năng trị giá 800 triệu đồng, nhưng khi xác minh thì chủ hàng “lách” bằng cách đóng thuế, hóa đơn chứng từ theo hình thức “hàng xách tay làm quà tặng”, buộc phải trả lại toàn bộ số hàng.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Cao Thắng - Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của tỉnh, hoạt động buôn bán nhiều sản phẩm, hàng hóa qua mạng internet, trong đó có thực phẩm chức năng diễn ra rất phổ biến, nhưng chưa được kiểm soát hiệu quả. Hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trà trộn ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng. Nhiều thông tin sai sự thật về công dụng của sản phẩm thực phẩm chức năng gây tác hại đến sức khỏe của người sử dụng. Các ngành chức năng cần phối hợp thanh tra, kiểm tra và xử lý tình trạng này. Những trường hợp khó xử lý báo cáo ngay cho ban chỉ đạo và lãnh đạo tỉnh kịp thời có biện pháp xử lý.
HẢI YẾN