Hướng tới nền hành chính trong sạch, chuyên nghiệp, hiện đại
Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tác động sâu rộng đến sự phát triển KT-XH về nhiều mặt.
Theo Giám đốc Sở Nội vụ Lâm Hải Giang, thời gian qua, công tác cải cách hành chính (CCHC) đã được các cấp, các ngành triển khai thực hiện đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực, hướng tới mục tiêu xây dựng nền hành chính trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Một số mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình tổng thể đã đạt và vượt mức đề ra.
● Cải cách thủ tục hành chính (TTHC) luôn được coi là nội dung trọng tâm của CCHC, là khâu đột phá nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư, phát triển KT-XH. Xin ông thông tin cụ thể kết quả trên lĩnh vực này?
- Bằng nhiều giải pháp đồng bộ, khả thi, công tác cải cách TTHC trên địa bàn tỉnh thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều thủ tục được đề xuất đơn giản hóa, chuyển đổi phương thức “từ tiền kiểm sang hậu kiểm”. Quy trình giải quyết TTHC được xây dựng khoa học, hợp lý, bảo đảm rõ trách nhiệm, rõ thời gian giải quyết, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan có liên quan. Trách nhiệm giải trình của các cơ quan, đơn vị trong thực hiện TTHC cũng được thực hiện nghiêm túc; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các cá nhân gây khó khăn, phiền hà cho nhân dân, tổ chức và DN.
Tiếp nhận hồ sơ TTHC tại Bộ phận một cửa của UBND phường Hoài Đức, TX Hoài Nhơn.
Đến nay, đã công khai 1.875 TTHC thuộc phạm vi chức năng quản lý của các sở, ban, ngành trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; kết nối, tích hợp 16 TTHC lên Cổng Dịch vụ công quốc gia; thông qua phương án đơn giản hóa 113 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã theo đúng quy định.
Cơ chế một cửa, một cửa liên thông tiếp tục được hoàn thiện và triển khai đồng bộ ở các cấp chính quyền với nhiều đổi mới, sáng tạo, mang lại hiệu quả cao. Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh được thành lập để tiếp nhận giải quyết các TTHC thuộc thẩm quyền của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và một số cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết trước hẹn và đúng hẹn hằng năm đạt trên 90%, hồ sơ giải quyết trễ hẹn được xin lỗi công khai.
● Bên cạnh TTHC, cải cách tổ chức bộ máy hành chính cũng là nội dung quan trọng, có nhiều dấu ấn trong thời gian qua. Tổ chức bộ máy hành chính của chúng ta đã có những chuyển biến như thế nào, thưa ông?
- Tỉnh đã tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đối với các sở, ngành, quy chế tổ chức hoạt động của các đơn vị sự nghiệp theo hướng dẫn của các bộ, ngành trung ương nhằm bảo đảm tính hệ thống và hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước, phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh. Đã phân định được hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước với hoạt động của đơn vị sự nghiệp dịch vụ công thông qua các thể chế phân cấp về tổ chức, nhân sự, tài chính công.
Bên cạnh đó là tổ chức thực hiện các đề án chuyển đổi các trường mầm non, các trường THPT bán công sang hoạt động theo loại hình công lập, công lập tự chủ một phần kinh phí; đánh giá tình hình thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong các đơn vị sự nghiệp dịch vụ công.
UBND tỉnh đã chủ động chỉ đạo sắp xếp, kiện toàn bộ máy bên trong của các sở, ngành; qua sắp xếp đã giảm 54 tổ chức, 20 lãnh đạo chi cục, 47 lãnh đạo phòng thuộc sở, 52 lãnh đạo phòng thuộc chi cục/ban; thực hiện giải thể, hợp nhất, sắp xếp 58 tổ chức phối hợp liên ngành.
Hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập tiếp tục được đổi mới về tổ chức và quản lý, bảo đảm tinh gọn, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động. Nhiều đơn vị sự nghiệp công lập đã được hợp nhất, sáp nhập nhằm giảm mạnh đầu mối, khắc phục chồng chéo, dàn trải, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ; các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động không hiệu quả được cơ cấu lại hoặc giải thể. Đến nay, toàn tỉnh đã giảm 117 đơn vị sự nghiệp công lập; chuyển 10 đơn vị sự nghiệp công lập sang tự chủ hoàn toàn về tài chính.
Bên cạnh đó, công tác tinh giản biên chế được thực hiện quyết liệt gắn với xây dựng đề án vị trí việc làm và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện, cấp tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện tinh giản 219/2.449 biên chế công chức, đạt tỷ lệ 8,9% và 2.321/30.028 biên chế viên chức, đạt tỷ lệ 7,7%. Đội ngũ những người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn cũng được sắp xếp, bố trí lại theo hướng tăng cường kiêm nhiệm, giảm số lượng nhiều so với trước đây.
● Trong quá trình thực hiện công tác CCHC, yêu cầu quan trọng đặt ra là cần phát huy tốt vai trò của người đứng đầu, phải có tính mới, yếu tố sáng tạo. Việc đáp ứng yêu cầu này ở Bình Định như thế nào?
- Trong quá trình thực hiện Chương trình tổng thể CCHC, các ngành, các cấp của tỉnh luôn phát huy tốt vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác CCHC; xác định rõ trách nhiệm của từng cán bộ, công chức, viên chức, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương. Kết quả thực hiện CCHC là tiêu chí quan trọng để đánh giá, phân loại và bình xét thi đua khen thưởng người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương.
Từ năm 2011 đến nay, có 11 mô hình, sáng kiến trong CCHC đã được triển khai áp dụng trên địa bàn tỉnh. Trong đó, đáng chú ý, tỉnh Bình Định là một trong những địa phương đề xuất sáng kiến và đã được Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam hỗ trợ thực hiện Dự án khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng của tổ chức, công dân đối với một số dịch vụ công trên địa bàn tỉnh.
Trên cơ sở kết quả đạt được, từ năm 2016 đến nay, hằng năm tỉnh đều tổ chức khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng của tổ chức, công dân đối với một số dịch vụ hành chính công và dịch vụ công (y tế, giáo dục) trên địa bàn tỉnh.
● Xin cảm ơn ông!
NGUYỄN VĂN TRANG (Thực hiện)