Phòng rối loạn tiêu hóa cho trẻ
Rối loạn tiêu hóa là hội chứng gây ra bởi sự co thắt không bình thường của các cơ vòng trong hệ tiêu hóa. Tình trạng này diễn ra dẫn đến đau bụng và thay đổi các vấn đề về đại tiện. Trẻ bị rối loạn tiêu hóa là do hệ tiêu hóa còn chưa được hoàn thiện, hệ miễn dịch hạn chế. Ngoài ra, trẻ cũng có thể bị rối loạn tiêu hóa khi dùng kháng sinh; chế độ dinh dưỡng bất hợp lý; môi trường sống mất vệ sinh do các bé chơi đồ chơi, tiếp xúc với thú vật, đồ dùng bám vi khuẩn, sau khi đi vệ sinh không rửa tay.
Bác sĩ CKII Phạm Văn Dũng, Trưởng khoa Nhi, BVĐK tỉnh, cho biết: Khi bị rối loạn tiêu hóa, trẻ thường có 2 biểu hiện là nôn và tiêu chảy. Bên cạnh hai biểu hiện này, có thể thấy thêm ở từng trẻ như: Đầy bụng, khó chịu, ợ hơi…
Để phòng bệnh, nên cho trẻ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng và lượng nước hàng ngày. Hạn chế cho trẻ ăn đồ ăn nhiều chất béo, chất đạm, thức ăn để lâu ngày dễ bị nhiễm khuẩn. Khi trẻ bị rối loạn tiêu hóa, đầu tiên cần xác định tình trạng mất nước ở trẻ bằng việc kiểm tra ngay xem trẻ có khát không, đi tiểu có như bình thường hay không, môi khô như thế nào, từ đó nhanh chóng bù nước cho trẻ. Khi rối loạn tiêu hóa có kèm theo đau bụng thì đi khám bệnh càng sớm càng tốt để đề phòng mắc thêm các bệnh cấp tính khác.
Để phòng bệnh cho trẻ, bác sĩ Dũng lưu ý: Kể cả khi đi học hay ở nhà, nên tập cho trẻ có thói quen rửa tay với xà phòng diệt khuẩn (hoặc người lớn rửa tay cho trẻ với xà phòng này)... Nếu trẻ có biểu hiện của rối loạn tiêu hóa ngày càng nặng, bố mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ nhi khoa để có hướng điều trị chính xác.
THÙY VY (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)