ỨNG DỤNG THIẾT BỊ XUA ÐUỔI CÁ HEO TRONG KHAI THÁC THỦY SẢN:
Góp phần nâng cao hiệu quả đánh bắt
Những năm gần đây, nhiều chủ tàu đánh bắt xa bờ trong tỉnh đã ứng dụng thiết bị xua đuổi cá heo trong quá trình khai thác thủy sản tại vùng khơi, giúp tăng hiệu quả sản xuất, bảo vệ được loài động vật biển quý, hiếm là cá heo.
Nhiều tàu cá của ngư dân trong tỉnh ứng dụng thiết bị xua đuổi cá heo trong khai thác thủy sản đã mang lại hiệu quả cao.
Ngư dân Võ Văn Tánh, ở phường Hoài Hương (TX Hoài Nhơn), chủ tàu lưới vây ánh sáng BĐ 97654 - TS, là một trong những chủ tàu cá đầu tiên trong tỉnh ứng dụng thiết bị xua đuổi cá heo trong khai thác thủy sản, cho biết: “Đặc thù của nghề lưới vây ánh sáng là đánh bắt ban đêm bằng phương pháp chong đèn điện dẫn dụ cá, mực tụ lại. Tuy nhiên, khi đèn bật lên cùng với cá, mực thì cá heo cũng đến săn mồi. Có cá heo coi như mình lỗ tiền dầu vì không đánh bắt được gì đã đành, mà rủi làm chết cá heo còn là phạm pháp nữa. Tháng 3.2019, tôi đầu tư mua thiết bị xua đuổi cá heo. Thiết bị này nhỏ gọn, dễ sử dụng nhưng hiệu quả thấy rõ, vừa bảo vệ được đàn cá heo, vừa đánh bắt đạt sản lượng cao”.
Nhận thấy việc ứng dụng thiết bị xua đuổi cá heo giúp khai thác thủy sản hiệu quả, nhiều chủ tàu cá khác cũng trang bị. Ngư dân La Thành Sơn, cũng ở phường Hoài Hương, chủ 2 tàu lưới vây ánh sáng BĐ 97463-TS, BĐ 97062-TS, cho hay: Cá heo loại Ông Nược trọng lượng mỗi con vài chục ký, thường đi thành đàn từ 50 - 100 con; loại lớn hơn (Ông Cúi) trọng lượng từ 500 kg đến hơn 1 tấn, thường đi theo đàn từ 5 - 10 con. Có lần tàu tôi bủa mẻ lưới được hơn 7 tấn cá, khi đang kéo thì Ông Cúi xuất hiện, chúng lao vào cắn phá lưới để bắt cá, mực. Chỉ trong phút chốc mất sạch cá, mực đã đành mà lưới cũng tiêu luôn. Nhờ thiết bị xua đuổi cá heo, giờ đỡ lo hẳn chuyện mấy “ổng” đến quấy phá.
Còn theo ngư dân Nguyễn Văn Việt, cũng ở phường Hoài Hương, chủ tàu câu cá ngừ đại dương BĐ 98271-TS, đặc thù của nghề câu cá ngừ đại dương bằng phương pháp câu vàng vào ban đêm kết hợp ánh sáng phải sử dụng mồi mực sống, nhưng mực sống cũng là mồi để đàn cá heo tìm đến cắn câu. Khi câu được cá heo thì ngư dân cũng phải cắt lưỡi câu để thả chúng trở lại biển. Cuối năm 2019, ông Việt đã mua thiết bị xua đuổi cá heo về sử dụng. “Không chỉ xua đuổi cá heo, thiết bị nhỏ gọn, tiện lợi này còn xua đuổi được cả cá voi. Trong chuyến biển tháng 2.2020, sau một đêm đánh bắt, còn dư mồi mực sống, anh em thuyền viên cột vào đãy lưới thả xuống biển. Đến trưa hôm sau, tôi đứng trên khoang tàu thấy một con cá voi đen bóng dài hơn 5 m xuất hiện và tiến đến gần tàu để bắt mực, tôi liền lấy thiết bị này thả xuống biển thì lập tức ổng bỏ đi ngay sau khi nhận thấy sóng âm của thiết bị tạo ra”, ông Việt kể lại.
Theo TS Trần Văn Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT), cả tỉnh hiện có khoảng 50 tàu cá của ngư dân trong tỉnh ứng dụng thiết bị xua đuổi cá heo hiệu Dolphin Dissuasive Devise, model DDD 03 do Italia sản xuất. Thiết bị hình khối trụ trọng lượng 905 g, chiều cao 21 cm, đường kính 0,6 cm, sử dụng nguồn điện xoay chiều 220 V để sạc, tạo ra tần số sóng âm 5 - 500 KHz. Trong quá trình đánh bắt, ngư dân thả thiết bị xuống biển ở độ sâu từ 10 - 200 m, khi thiết bị làm việc, sóng âm gây khó chịu, xua đuổi đàn cá heo trong phạm vi 300 m, độ sâu 80 m. Thiết bị này có thể ứng dụng được cho các loại nghề khác, như: Mành chụp, lưới vây, lưới rê, giã cào, câu mực, câu cá ngừ đại dương…
ĐOÀN NGỌC NHUẬN