Những tư liệu quý về triều đại Tây Sơn
Nhà xuất bản Tổng hợp TP Hồ Chí Minh vừa phát hành tập sách Nguyễn thị Tây Sơn ký; sách do nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Chính dịch, giới thiệu. Người đầu tiên phát hiện Nguyễn thị Tây Sơn ký là học giả, nhà nghiên cứu Maurice Durand (1914 - 1966). Ông là một người Pháp lai Việt (cha ông là người Pháp, còn mẹ là người Việt). Sinh thời, Maurice Durand từng làm Giám đốc trường Viễn Đông Bác cổ (Hà Nội). Ông cũng chính là tác giả của bộ sách Tranh dân gian Việt Nam (xuất bản năm 1960).
Nguyễn thị Tây Sơn ký giới thiệu về 3 nhân vật từng làm vua triều Tây Sơn, gồm: Nguyễn Văn Nhạc (tức Thái Đức), Nguyễn Văn Huệ (tức Quang Trung) và Nguyễn Quang Toản (tức Cảnh Thịnh/Bảo Hưng). Cụ thể, đối với Nguyễn Nhạc, sách tập trung giới thiệu một số thời điểm lịch sử quan trọng liên quan đến công nghiệp của ông. Đó là các năm: Quý Tỵ 1773 - khi Nguyễn Nhạc tự xưng danh “Đệ nhất trại chủ” và dấy binh khởi nghĩa; năm Bính Thân 1776 - khi Nguyễn Nhạc cho xây sửa thành Đồ Bàn… Còn đối với Nguyễn Huệ là các năm: Bính Ngọ 1786 - khi được Nguyễn Nhạc cử đem quân ra đánh Thuận Hóa; Kỷ Dậu 1789 - khi tiến quân ra Thăng Long tiêu diệt quân Mãn Thanh…
Theo Nguyễn Duy Chính, sách Nguyễn thị Tây Sơn ký là tác phẩm khuyết danh, nhưng nội dung và văn từ của tác phẩm này cho thấy đó gần như là phó bản của phần viết về ba anh em nhà Tây Sơn trong Đại Nam chính biên liệt truyện, do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn. Tuy nhiên, cách đánh giá về nhà Tây Sơn, đặc biệt là về Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ thì có những điểm khác, khách quan hơn so với Đại Nam chính biên liệt truyện.
Khi dịch Nguyễn thị Tây Sơn ký, Nguyễn Duy Chính đã đối chiếu với Đại Nam liệt truyện để làm sáng tỏ những điểm khác biệt, những tồn nghi về thân thế của ba anh em Tây Sơn. Đây không phải là những điều gì mới mẻ, nhưng có thể giúp bạn đọc có cơ hội lượng định những tư liệu về đời Tây Sơn và tìm hiểu những thêm thắt được tiểu thuyết hóa theo thời gian…
VIẾT HIỀN