Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020: Nhiều kết quả đáng phấn khởi
Sau 5 năm triển khai chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Bình Ðịnh đã đạt và vượt chỉ tiêu đề ra với nhiều kết quả rất đáng phấn khởi.
Những điểm nhấn
Theo Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Mỹ Quang, giai đoạn 2016 - 2020, nhiều địa phương thực hiện cùng lúc hai chương trình: Xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Hai chương trình này đan xen, lồng ghép và hỗ trợ nhau giúp địa phương hoàn thành tốt nhiệm vụ và không ngừng phát triển. Dự kiến đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 85 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 70,2%); 4 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn nông thôn mới: Hoài Nhơn, Tuy Phước, An Nhơn, Quy Nhơn. “Chương trình nông thôn mới là một điểm nhấn trong Chương trình giảm nghèo, bởi muốn đạt được chuẩn nông thôn mới thì phải đảm bảo tiêu chí về tỷ lệ hộ nghèo. Điều này vừa tạo áp lực nhưng cũng đồng thời là động lực để các địa phương tìm nhiều giải pháp, cách làm sáng tạo, phù hợp thực tế để giảm nghèo đạt hiệu quả”, ông Quang trao đổi.
Việc các địa phương triển khai song song hai chương trình - xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững - giúp bộ mặt làng xóm khang trang hơn trước.
-Trong ảnh: Tộc họ Trần (xã Phước Thành, huyện Tuy Phước) hiến đất, mở rộng mặt đường từ 3 m lên 5 m, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Một điểm nhấn khác trong giai đoạn này là việc triển khai thực hiện các dự án lớn về hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo với tổng kinh phí hơn 221 tỷ đồng. Bà Nguyễn Thị Thế Vy, Trưởng Phòng Bảo trợ xã hội (Sở LĐ-TB&XH) cho biết, các giai đoạn trước cũng có dự án nhưng không mang tính tổng thể, bài bản, phân rõ trách nhiệm, quyền lợi của đối tượng thụ hưởng, người thực hiện dự án như trong giai đoạn này. Với những thay đổi, hiệu quả của các dự án giai đoạn này được nâng lên rõ rệt. Đáng chú ý có một số dự án do chính người dân, hộ nghèo đề xuất, dễ thực hiện và sinh lợi cho họ. Có dự án triển khai hiệu quả, tạo được thương hiệu sản phẩm của địa phương, của vùng như: Trồng bưởi da xanh ở huyện Hoài Ân, trồng cam xoàn, trồng dâu nuôi tằm ở huyện An Lão. Những dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế và nhân rộng mô hình thoát nghèo cho hàng nghìn hộ dân nghèo ở 18 xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo cho kết quả rất đáng phấn khởi.
“Cùng với việc thực hiện các chính sách, chương trình hỗ trợ giảm nghèo thường xuyên, những điểm nhấn trong giai đoạn này góp phần quan trọng giúp đạt và vượt tỷ lệ giảm nghèo đã đề ra”, bà Vy đánh giá.
Vượt chỉ tiêu
Mỹ Cát là một trong hai xã đặc biệt khó khăn của huyện Phù Mỹ, đã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019. Phó Chủ tịch UBND xã Trần Phụng Chánh cho biết, trong 4 năm (2016 - 2019), xã đã đầu tư xây dựng mới 19 công trình, duy tu bảo dưỡng 1 công trình, trong đó có 5 công trình phát triển văn hóa - xã hội, 12 công trình đường giao thông nông thôn phục vụ sản xuất kinh doanh và dân sinh, 3 công trình kiên cố hóa kênh mương nội đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp. Giao thông thuận lợi, cộng với việc triển khai hiệu quả các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng các mô hình giảm nghèo, bộ mặt và đời sống người dân địa phương chuyển biến rõ rệt. “Nếu như năm 2016, toàn xã có 341 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 18,8%, thì đến năm 2019, xã còn 157 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 8,8%, trong đó hộ nghèo theo chuẩn nông thôn mới là 84 hộ, chiếm tỷ lệ 4,9%”, ông Chánh trao đổi.
Một số dự án hỗ trợ sinh kế triển khai có hiệu quả, góp phần tạo được thương hiệu sản phẩm địa phương như trồng bưởi da xanh ở huyện Hoài Ân.
- Trong ảnh: Lễ công bố nhãn hiệu “Bưởi Hoài Ân” và “Trà Gò Loi”.
Với đặc thù địa bàn rộng lớn, suốt 4 năm qua, TX Hoài Nhơn đã tích cực vận động sự vào cuộc, chung tay của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn và vận dụng nhiều giải pháp phù hợp để “về đích” chỉ tiêu giảm nghèo bền vững. Kết quả, thị xã đã giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 12,5% (năm 2015) xuống còn 2,8% (năm 2019); bình quân giảm 2%/năm, vượt chỉ tiêu Nghị quyết HĐND thị xã đề ra (giảm 1 - 1,5%/ năm).
Đạt và vượt chỉ tiêu là kết quả mà đa số địa phương đã đạt được sau 4 năm thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020. Thống kê của Sở LĐ-TB&XH cho thấy, bình quân tỷ lệ giảm hộ nghèo trên địa bàn tỉnh là 1,8%/năm, đạt kế hoạch đề ra (Nghị quyết của Chính phủ mỗi năm giảm 1,5%; Nghị quyết HĐND tỉnh mỗi năm giảm 1,5 - 2%). Dự kiến, đến cuối năm 2020, toàn tỉnh còn khoảng 18.415 hộ nghèo, chiếm 4,1%.
Sở LĐ-TB&XH đánh giá, thu nhập của hộ nghèo chung của tỉnh đã tăng rõ rệt. Cuối năm 2015 thu nhập của hộ nghèo khoảng 435 nghìn đồng/người/tháng (theo chuẩn nghèo cũ áp dụng cho giai đoạn 2011 - 2015) và 755 nghìn đồng/người/tháng (theo chuẩn nghèo mới áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020). Đến năm 2020, bình quân thu nhập của hộ nghèo đạt gần 900 nghìn đồng/người/tháng, tăng gấp 2 lần so với mức thu nhập chuẩn nghèo cũ và 1,2 lần so với mức thu nhập của chuẩn mới. Kết quả, có 66,2% số hộ nghèo đầu giai đoạn thoát nghèo - đạt và vượt kế hoạch đề ra.
NGỌC TÚ