“Tự ” và “chùa”
Tự trong Thập Tháp Di Đà tự, Linh Phong tự… ban đầu vốn không phải là “chùa”. Nó vốn có nghĩa “dinh quan”. Trong sáu dinh gọi là “lục tự”, có “Hồng lô tự” là cơ quan chuyên đảm trách việc tiếp đón các sứ đoàn. Đến đời Hán Minh Đế, có hai vị thiền sư từ Thiên Trúc sang, vì chưa có chỗ ở riêng nên được đón vào ở trong Hồng lô tự. Vì thế mà về sau, tự mang nghĩa chỗ ở của nhà sư. Chữ tự (bộ thốn) với nghĩa “chùa” ta còn gặp trong cổ tự, tự viện…
Tựa [như/ hồ] (1) và [lời] tựa (2) trong tiếng Việt đều có gốc Hán. Tựa (1) bắt nguồn từ chữ tự (bộ nhân), nghĩa “giống như” (đây là chữ tự trong tương tự). Tựa (2) bắt nguồn từ chữ tự (bộ nghiễm), nghĩa “bài tựa” (như trong đề tự). Mối quan hệ -ư ~ -ưa ta còn gặp trong [thủ] cứ ~ cưa [cầm tay], cự ~ cựa [gà], trữ ~ chứa… Chữ tự (bộ nghiễm) còn có nghĩa “thứ bậc”, như trong thứ tự, trật tự.
Từ trong từ xưa đến nay trong tiếng Việt cũng có nguồn gốc Hán, bắt nguồn từ chữ tự (chữ cũng là bộ), nghĩa “từ”, như trong tự cổ chí kim, tự viễn phương lai (từ phương xa đến). Mối quan hệ hai thanh nặng ~ huyền ta còn gặp trong cận ~ gần, cộng ~ cùng, hận ~ hờn… Đây cũng là chữ tự với nghĩa “tự nó, tự mình, tự nhiên” trong tự ái, tự biên tự diễn, tự cao, tự cấp tự túc, tự chủ, tự đắc, tự động, tự giác, tự hoại, tự kỉ, tự lực, tự mãn, tự nguyện, tự phụ, tự quản, tự quyết…
Trong tiếng Việt, có nhiều từ có yếu tố tự (bộ tử) với nghĩa “chữ, văn tự”, như Hán tự, kim tự tháp (tháp chữ kim), thập tự giá (giá chữ thập), tự dạng, nhất tự vi sư, bán tự vi sư (một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy)…
Với chữ tự (bộ khẩu) có nghĩa “nối tiếp, kế tục”, ta gặp trong các từ hậu tự ([con cháu] nối tiếp đời sau), vô tự (không có [con cái] nối dõi)…
Trong các từ tế tự, thờ tự, tự đường, chữ tự thuộc bộ kì, có nghĩa là “cúng tế”.
Vậy còn tự trong tự sự nghĩa là gì? Chữ này thuộc bộ phốc, nghĩa là “kể lại, thuật lại”. Tự sự có thể hiểu là “kể lại sự việc, câu chuyện”.
Trong tiếng Việt, số lượng từ mang hình vị tự gốc Hán khá nhiều. Muốn hiểu tường tận từng từ, không cách nào khác là phải nắm rõ nghĩa của các hình vị tự này.
Th.S PHẠM TUẤN VŨ