Cô Vân & những giờ học rộn rã sắc màu
Với nhiều người, Mỹ thuật chỉ là môn phụ. Nhưng với sự chăm chút, sáng tạo của mình, cô Ma Thị Thanh Vân, giáo viên Mỹ thuật Trường Tiểu học số 1 Diêu Trì (huyện Tuy Phước) khiến học sinh háo hức đợi đến giờ Mỹ thuật.
Yêu thích vẽ từ bé, Ma Thị Thanh Vân vẫn luôn mơ trở thành cô giáo Mỹ thuật. Đến nay, gần 20 năm trong nghề, cô luôn say mê tìm tòi, sáng tạo với mục tiêu làm sao để những giờ học của mình gây được hứng thú cho các em học sinh. Một bước ngoặt quan trọng đến với cô trong năm học 2014 - 2015, khi được dự lớp tập huấn dạy Mỹ thuật theo phương pháp Đan Mạch, cô Vân bắt đầu chọn những điểm phù hợp triển khai trong lớp học của mình.
Giờ học trong lớp đa dạng hoạt động của cô Vân.
Nhận thấy phương pháp Đan Mạch có nhiều điểm giúp kích thích trí tưởng tượng của học sinh, giúp các em quan tâm đến môn học này nhiều hơn, cô Vân vận dụng ngay, làm mới bài giảng. Tùy từng bài học, cô cho các em vẽ theo nhạc, vẽ theo sở thích, vẽ ký họa ngoài sân trường… Cô giáo Vân chia sẻ: Vẽ theo nhạc là hoạt động nhóm, bật nhạc lên và các em vẽ trên tờ giấy lớn, từ nhạc nhẹ đến nhạc mạnh, các em đi theo vòng vẽ. Sau đó đính tờ giấy lên bảng, các em bắt đầu cắt khung tranh, chọn góc mà mình thích nhất phát triển thành bức tranh trừu tượng.
Vẽ chân dung còn gọi là vẽ biểu cảm, học sinh không còn chia tỷ lệ mắt mũi miệng nữa mà các con tự vẽ theo ý thích, vẽ chân dung của cô hay một bạn nào đó sẽ không nhìn vào giấy dù vẽ có bị lệch chăng nữa. Mỹ thuật giúp phát triển sự sáng tạo của học sinh. Khi vẽ ngoài sân trường, không chỉ vẽ cảnh vật, các em vẽ ký họa chân dung lẫn nhau. Các bức tranh chân dung này các em sẽ đưa vào các bức tranh phong cảnh với những dáng phù hợp.
Không chỉ học vẽ, học tưởng tượng, giờ học của cô Vân còn rộn rã bởi lời nhận xét về các bức tranh. Theo cô Vân, phương pháp mới phát huy tính tích cực của học sinh, giúp học sinh vừa học vừa chơi. Học sinh vẽ xong sẽ tự giới thiệu về bức tranh và tự đánh giá bài của mình, đồng thời các em còn nhận xét bài của bạn. Như vậy, các em cũng luyện được khả năng nhìn nhận, đánh giá. Ở tất cả hoạt động vừa kể, học sinh đều là người chủ động, giáo viên chủ yếu hướng dẫn, giao việc cho học sinh.
Em Phạm Thanh Bình, học sinh lớp 5, Trường Tiểu học số 1 Diêu Trì, chia sẻ: Giờ Mỹ thuật rất vui, thích nhất là vẽ theo nhạc và ra sân trường. Em thường vẽ bạn thân em. Mẹ em cũng thích em vẽ nên ở nhà cũng mua nào màu sáp, màu nước và cả chì màu cho em.
Không chỉ vẽ tranh, vì học sinh còn nhỏ nên chưa có dịp chứng kiến nhiều hoạt động, cô Vân mở video cho các em xem. Tùy bài học mà cô Vân lồng ghép thêm các video, ví như bài về lễ hội truyền thống, cô cho học sinh xem video về Lễ hội Chợ Gò, Lễ hội Đua thuyền… để các em mở mang đầu óc, thêm yêu cuộc sống hơn.
Ngoài những giờ học thú vị, cô Vân còn cho học sinh thử sức với cuộc thi Ý tưởng trẻ thơ do Công ty Honda Việt Nam và Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) tổ chức và nhiều năm liền đạt giải cao. Đặc biệt, Cuộc thi Ý tưởng trẻ thơ lần thứ 12 - năm 2020, học trò do cô hướng dẫn đạt giải nhất. Cô Vân chia sẻ: Khi các em có ý tưởng, tôi hướng dẫn các em cách chuyển từ ý tưởng sang hình ảnh, khi gởi đi, em nào qua vòng 1 sẽ tiếp tục làm mô hình ở vòng 2. Khi hình ảnh ở vòng 1 sắp xếp tốt, vòng 2 sẽ nhẹ nhàng hơn. Thành công ở vòng 2, tôi sẽ dạy học sinh thuyết trình trước đám đông. Mỗi năm tôi đều cố gắng cho học sinh tham gia, có giải hay không có giải đều là kỷ niệm đẹp của các em.
Nói về cô Vân, bà Hoàng Ngọc Tố Nương, Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Tuy Phước, cho biết: Giờ Mỹ thuật của cô Vân rất sáng tạo và nhiều sắc màu. Ở đó, học sinh thật sự được nói lên ý tưởng và thoải mái thể hiện. Nhờ những nỗ lực và sáng tạo trong giảng dạy, cô Vân vừa được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.
THẢO KHUY