Chăm trẻ với tất cả yêu thương
Đến Trường mầm non thị trấn Vân Canh (huyện Vân Canh), tôi khá ngỡ ngàng bởi cây, hoa và cách trang trí sân trường. Không chỉ có vậy, ngay cả ở các điểm trường, phụ huynh còn giúp đỡ các cô vệ sinh trường lớp, trang trí, trồng hoa. Đến thăm các lớp, trò chuyện với phụ huynh và các bé, điểm chung dễ thấy nhất là yêu thương. Cô yêu thương trò, phụ huynh quý trọng các cô, các bé lễ phép và ngoan.
Cô Nguyễn Thị Tính, Hiệu trưởng Trường mầm non thị trấn Vân Canh, cho biết: Tùy theo diện tích, số lượng trẻ và điều kiện thực tế nhóm, lớp, nhà trường xây dựng các góc chơi trong lớp phù hợp, ví dụ như góc địa phương, góc nghệ thuật, góc xây dựng, góc thư viện, góc thiên nhiên… Đồ dùng, đồ chơi ở các góc đảm bảo tính mở, khuyến khích giáo viên sử dụng các nguyên liệu tại địa phương như lá cây, sỏi, tre, trúc… để làm và có tên góc, hình ảnh minh họa hoạt động trong góc rõ ràng, đẹp mắt.
Cô kể chuyện cho bé nghe bằng tiếng Việt.
Đặc biệt, ở hoạt động tăng cường tiếng Việt cho trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số, Trường mầm non thị trấn Vân Canh là một trong những trường có nhiều hoạt động sáng tạo, đạt hiệu quả cao. Ban đầu, nhà trường tạo hứng thú cho trẻ đi học chuyên cần. Thứ đến các cô kết nối với phụ huynh, đề nghị cùng nhà trường tăng cường tiếng Việt cho trẻ. Đặc biệt, ở những buổi đưa - đón trẻ, cô giáo thường xuyên trò chuyện với phụ huynh, gợi ý chủ đề để họ nói chuyện tiếng Việt với con khi ở nhà. Bên cạnh đó, chính các cô cũng chịu khó học tiếng Chăm, Bana để thu hẹp khoảng cách giao tiếp đồng thời tạo ra nhiều điểm vui chơi thú vị để thu hút sự tò mò của các cháu, buộc các cháu phát sinh nhu cầu muốn biết đó là thứ gì.
Cô Huỳnh Thị Mỹ Dung, giáo viên Trường mầm non thị trấn Vân Canh, chia sẻ: Thời gian đầu đến trường, trẻ hay bỡ ngỡ, rụt rè vì vậy cô giáo thường xuyên gần gũi, thân thiện trò chuyện với trẻ. Nhờ đó trong nhiều năm liền, học sinh của trường đi học rất chuyên cần, thường xuyên đạt 98%; các cháu đi học đều thì hoạt động tăng cường tiếng Việt cũng dễ dàng hơn. Chúng tôi tạo môi trường tăng cường tiếng Việt bằng các góc học tập, hoạt động, đồ vật để các cháu gọi tên. Đồng thời ở chương trình chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ hàng ngày chúng tôi cho trẻ làm quen chữ cái, từ đó các em tìm tên sự vật, tên các bạn trong lớp có chữ cái đã làm quen. Chúng tôi còn kể chuyện cho các cháu nghe, hỏi đáp để các cháu trả lời. Ngoài ra, chúng tôi thực hiện tăng cường tiếng Việt qua hoạt động vui chơi, qua vật thật và đồ dùng trực quan, tạo môi trường học tập tiếng Việt. Nhờ vậy, trẻ có thể giao tiếp bằng tiếng Việt và không còn ngại ngần khi gặp người lạ.
ĐỖ THẢO