Hỗ trợ, định hướng khởi nghiệp cho sinh viên
Trong hai ngày 14 và 15.7, Chương trình Khởi nghiệp và giới thiệu việc làm (do Sở LÐ-TB&XH tổ chức) đã diễn ra với hai hoạt động: Hội thảo và ngày hội giới thiệu việc làm, trưng bày sản phẩm khởi nghiệp. 26 đơn vị, gồm các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, DN, hiệp hội đã đồng hành tham gia cùng chương trình.
Cán bộ Công ty CP Tự động hóa Tân Phát trình diễn robot tự động tại Ngày hội “Khởi nghiệp, giới thiệu việc làm, trưng bày sản phẩm”.
Tiếng nói từ nhiều phía
Hội thảo “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp năm 2020” vào chiều 14.7 được xem là diễn đàn, thu hút sự tham gia, góp tiếng nói của nhiều bên liên quan đến công tác đào tạo, hỗ trợ học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp.
Trao đổi về nhu cầu người lao động trong lĩnh vực du lịch tại Bình Định, ông Nguyễn Hoàng Vũ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Định, đưa ra nhiều số liệu. Theo đó, dự tính đến năm 2025, Bình Định sẽ cần tổng số lao động du lịch là 70.000 người; gồm 18.000 lao động trực tiếp và 52.000 lao động gián tiếp. Đến năm 2030, nhu cầu lao động du lịch sẽ đạt khoảng 100 nghìn người; gồm khoảng 28.000 lao động trực tiếp và 72.000 lao động gián tiếp.
“Ở thời điểm hiện tại, lao động trực tiếp trong ngành Du lịch là 9.500 người. Để đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh Bình Định đang thực hiện nhiều giải pháp để phát triển, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch. Hiệp hội Du lịch và các DN du lịch đang phát huy vai trò và nâng cao trách nhiệm trong hoạt động đào tạo nhân lực ngành Du lịch bằng nhiều cách: Tham gia xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề, chương trình, giáo trình đào tạo; tạo điều kiện kiến tập, thực tập cho học sinh, sinh viên, tiếp nhận sinh viên vào làm việc sau tốt nghiệp; chủ động đặt hàng với cơ sở đào tạo về đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực...”, ông Vũ chia sẻ thêm.
Ông Đinh Trọng Hoàn, Trưởng phòng Hành chính nhân sự Công ty CP Tự động hóa Tân Phát (TP Hà Nội) gửi đến sinh viên 10 nhóm ngành, lĩnh vực có nhu cầu lao động lớn trong thời gian đến như: Nghiên cứu và phát triển; Hậu cần và phụ trợ; Dịch vụ IT và dịch vụ tri thức; Dịch vụ Tài chính; Giáo dục và Y tế; Linh kiện công nghệ cao; Thiết bị y tế và dược phẩm; Công nghệ thân thiện môi trường; Máy móc và thiết bị công nghiệp; Trang thiết bị và linh kiện vận tải ô tô.
Ông Hoàn nói thêm: “Dự báo trong tương lai, 75% lao động hưởng lương tại Việt Nam đứng trước nguy cơ thất nghiệp bởi tự động hóa, robot. Điều này đòi hỏi người lao động chuyển dịch từ lao động tay nghề thấp lên lao động tay nghề cao. Đặc điểm của lao động có kỹ năng tay nghề cao là: Có kiến thức và kỹ năng để làm các công việc phức tạp, có khả năng thích ứng nhanh với những thay đổi của công nghệ, vận dụng sáng tạo kiến thức và kỹ năng vào công việc, sử dụng ngoại ngữ tốt, có kỹ năng mềm trong công việc, tác phong công nghiệp. Để có được lực lượng lao động trình độ cao, phù hợp với yêu cầu thị trường, tôi đề xuất các giải pháp: DN phải tham gia xây dựng chương trình và tham gia đào tạo cùng nhà trường; tăng thời gian sinh viên thực hành hoặc tham gia vừa học - vừa làm tại DN; đưa nội dung đào tạo về thái độ làm việc và kỹ năng mềm vào chương trình giảng dạy, đào tạo kiến thức”.
Nhấn mạnh về sự tham gia của DN trong quá trình đào tạo, đại diện Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn chia sẻ về công tác gắn kết với DN để đào tạo theo đơn đặt hàng, đưa sinh viên đi thực tập. Giáo viên tại trường kết hợp giảng dạy với sản xuất, đi thực tập bắt buộc tại DN để nâng cao năng lực. Gắn kết DN trong đào tạo là nhiệm vụ trọng tâm, đem lại lợi ích cho cả 3 bên: Nhà trường - DN - người học.
Sinh viên tìm hiểu việc làm tại quầy của Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất.
Giới thiệu các sản phẩm khởi nghiệp, đào tạo
Sáng 15.7, tại Ngày hội “Khởi nghiệp, giới thiệu việc làm, trưng bày sản phẩm”, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các DN đã trưng bày sản phẩm, mô hình từ hoạt động đào tạo, sản xuất, dịch vụ.
Trường CĐ Cơ điện - Xây dựng và Nông lâm Trung Bộ mang đến một gian hàng với nhiều sản phẩm nông nghiệp. Chị Nguyễn Thị Hải Lý, Tổ Công nghệ sinh học (Khoa Nông lâm nghiệp) của Trường, cho biết: “Sản phẩm trưng bày hôm nay được phát triển theo hai hướng: Sản xuất trong phòng thí nghiệm, sản phẩm ngoài vườn. Từ phòng thí nghiệm, chúng tôi có mô hình sản xuất giống cây lan giả hạc bằng phương pháp nuôi; sản xuất tỏi đen - muối tre; dung dịch sát khuẩn. Từ nhà kính nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng công nghệ, chúng tôi sản xuất các sản phẩm nông nghiệp sạch như: Nấm, rau thủy canh”.
Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn trưng bày các mô hình phục vụ đào tạo khối ngành kỹ thuật, các sản phẩm cắt tỉa, pha chế của khoa Du lịch và dịch vụ. Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp tỉnh cũng đem đến các sản phẩm từ các mô hình đào tạo nghề cho lao động nông thôn như: Trồng và nhân giống nấm, tạo dáng và chăm sóc cây cảnh, trồng rau an toàn. Tại nhiều góc khác, một số DN, Trung tâm hỗ trợ cho sinh viên thông tin việc làm sau tốt nghiệp. Sự xuất hiện của một số sản phẩm khởi nghiệp: Trà Dung CAZIN, sản phẩm từ tre Egreen, bún song thằn Lý Thị Hương… làm cho không gian trưng bày thêm sinh động.
Chị Lê Thị Trâm, Giám đốc Công ty TNHH Egreen (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên), người khởi nghiệp với sản phẩm từ tre, chia sẻ: “Bên cạnh kiến thức, kỹ năng liên quan đến sản xuất, kinh doanh, quảng bá sản phẩm, các bạn trẻ cần phải thật quyết tâm, say mê với sản phẩm khởi nghiệp, hướng đi của mình. Con đường để biến ý tưởng thành hiện thực, đưa sản phẩm của mình đến thị trường và thuyết phục người tiêu dùng nhiều khó khăn”.
NGUYỄN MUỘI