Công tác phổ biến giáo dục pháp luật: Đa dạng, rộng khắp
Thời gian qua, UBND tỉnh, các sở, ngành và chính quyền các địa phương trong tỉnh luôn chú trọng nâng cao hiệu quả công tác phổ biến giáo dục pháp luật cho các tầng lớp nhân dân bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Qua đó, nâng cao hiểu biết pháp luật và ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người dân; góp phần phát triển KT-XH, giữ vững ANTT.
Công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh được triển khai đa dạng, rộng khắp, mang lại hiệu quả thiết thực.
- Trong ảnh: Học sinh Trường THCS Phước Thắng (xã Phước Thắng, huyện Tuy Phước) thi tìm hiểu pháp luật về ATGT qua hình thức “Rung chuông vàng”.
Nội dung đa dạng
Ông Lê Văn Toàn, Giám đốc Sở Tư pháp - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) tỉnh, cho biết: Để triển khai đồng bộ, hiệu quả công tác PBGDPL, từ đầu năm 2020, UBND tỉnh ban hành quyết định kiện toàn Hội đồng Phối hợp PBGDPL tỉnh với 39 thành viên và Ban Thư ký của Hội đồng với 8 thành viên. Hội đồng Phối hợp PBGDPL của 11 huyện, thị xã, thành phố cũng kịp thời kiện toàn, củng cố với tổng số 308 người. Đội ngũ báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, cấp huyện và tuyên truyền viên pháp luật cấp xã cũng được kiện toàn; đảm bảo số lượng và chất lượng.
6 tháng đầu năm 2020, các sở, ngành, đơn vị, địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến nhiều văn bản pháp luật liên quan thiết thực đến đời sống của các tầng lớp nhân dân. Trong đó, tập trung tuyên truyền, phổ biến các luật, pháp lệnh, văn bản mới ban hành như: Phòng, chống tác hại của rượu bia; cải cách hành chính; phòng, chống tham nhũng; khiếu nại, tố cáo; bảo vệ môi trường…
Đặc biệt, trong thời gian xảy ra dịch bệnh Covid-19, các ngành chức năng và chính quyền các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền các quy định pháp luật liên quan với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc. Qua đó, nâng cao ý thức tự giác chấp hành của người dân, góp phần thực hiện thành công việc ngăn ngừa, phòng, chống dịch bệnh.
“Hoạt động PBGDPL được các sở, ngành, địa phương tổ chức bằng nhiều hình thức đa dạng, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn, mang lại hiệu quả thiết thực. Trong đó, tổ chức gần 3.000 cuộc tuyên truyền trực tiếp với sự tham dự của gần 390 nghìn lượt người; biên soạn, phát hành hơn 163 nghìn tài liệu tuyên truyền pháp luật; tổ chức 392 cuộc thi tìm hiểu pháp luật bằng các hình thức như viết bài tìm hiểu, sân khấu hóa, thi trực tuyến... thu hút hàng trăm nghìn lượt người tham gia”, bà Hồ Mỹ Ngọc Chân, Trưởng Phòng PBGDPL - Sở Tư pháp nhìn nhận.
Triển khai rộng khắp
Công tác PBGDPL cho các đối tượng đặc thù, trong nhà trường và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng được các sở, ngành, địa phương quan tâm triển khai có hiệu quả. Trong đó, Chi cục Kiểm lâm (thuộc Sở NN&PTNT) phối hợp với các hội, đoàn thể ở địa phương tổ chức 87 đợt tuyên truyền pháp luật về phát triển, bảo vệ rừng; thu hút hơn 6.180 người tham dự. Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh (thuộc Sở VH&TT) tổ chức nhiều đợt chiếu phim lưu động phục vụ nhân dân miền núi, vùng sâu, vùng nông thôn, hải đảo, bãi ngang… để tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Sở GD&ĐT hướng dẫn các trường học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp đổi mới phương pháp giảng dạy pháp luật; xây dựng những bài giảng điện tử, mô hình trực quan, tình huống pháp lý trong thực tiễn đưa vào giảng dạy. Trang bị pano, áp phích phục vụ công tác tuyên truyền như ATGT; phòng, chống ma túy; phòng, chống mua bán người; bạo lực học đường.
Ở cấp huyện, TP Quy Nhơn tổ chức 38 buổi tuyên truyền, PBGDPL cho hơn 4.500 lượt cán bộ, chiến sĩ, hội viên nông dân, ĐVTN và người dân khu vực biên giới biển. Tổ chức 10 buổi tuyên truyền pháp luật cho hơn 1.400 lượt người lao động trong các DN; 8 lớp giáo dục pháp luật cho hơn 200 lượt đối tượng hình sự, thanh thiếu niên chậm tiến, vi phạm pháp luật…
Tại TX Hoài Nhơn, các phòng, ban, ngành, đoàn thể của thị xã và UBND các xã, phường ven biển thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền, PBGDPL cho ngư dân và nhân dân về Luật Biển Việt Nam; Luật Thủy sản; các nội dung về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Làm tốt công tác phối hợp tư vấn, hòa giải những vụ việc liên quan đến phụ nữ và trẻ em, bạo lực gia đình.
Huyện Vân Canh tổ chức tuyên truyền, PBGDPL về trật tự ATGT đến từng người dân, hộ gia đình, khu dân cư. Chú trọng tuyên truyền, giáo dục các đối tượng cá biệt; khuyến cáo các nguy cơ TNGT; các biện pháp phòng, tránh tai nạn và giáo dục ý thức tự bảo vệ để mọi người tham gia giao thông thực hiện. Huyện Vĩnh Thạnh tổ chức 60 cuộc tìm hiểu pháp luật về Luật Hôn nhân và gia đình; sức khỏe sinh sản vị thành niên; phòng, chống bạo lực học đường; học sinh với văn hóa giao thông, thu hút hàng nghìn lượt người tham gia.
Ông Phan Cao Thắng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, đánh giá: Thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã quan tâm chỉ đạo kịp thời để thực hiện công tác PBGDPL. Hội đồng Phối hợp PBGDPL các cấp thể hiện được vai trò, vị trí trong việc chủ động tư vấn, phối hợp, tổ chức thực hiện công tác này. Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; UBND cấp huyện, cấp xã tổ chức PBGDPL bằng nhiều hình thức cụ thể, thiết thực, có chiều sâu và hiệu quả. Qua đó, nâng cao hiểu biết pháp luật và ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người dân; giữ vững tình hình ANTT, góp phần phát triển KT-XH địa phương.
VĂN LỰC