Phê bình, xử lý tổ chức, cá nhân trì trệ trong giải ngân vốn đầu tư công
(BĐ) - Đó là yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh thực hiện và giải ngân nguồn vốn đầu tư công diễn ra vào ngày 16.7. Cùng chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội có các Phó Thủ tướng: Trương Hòa Bình, Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Bình Định.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu báo cáo với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về công tác giải ngân vốn đầu tư công tại Bình Định.
Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, số vốn đầu tư công có tăng hơn cùng kỳ năm 2019, nhưng vẫn thấp so với yêu cầu. Trong 6 tháng đầu năm 2020, ước giải ngân vốn đầu tư công cả nước gần 160 ngàn tỷ đồng, đạt 33,9% kế hoạch, trong đó nguồn vốn trong nước đạt 37,55%; vốn nước ngoài 12,52% và vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia đạt 25,85% kế hoạch. Đáng chú ý là có 33 Bộ, cơ quan Trung ương và 3 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20%. Nhiều dự án quan trọng, như: Dự án cao tốc Bắc - Nam; dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, tỷ lệ vốn đầu tư công giải ngân đạt thấp. Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về công tác giải ngân vốn đầu tư công tại Bình Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu cho biết, đến ngày 15.7.2020, giá trị khối lượng thực hiện của tỉnh trên 3.451 tỷ đồng, đạt 51,36% kế hoạch vốn giao, giá trị giải ngân hơn 3.397 tỷ đồng, đạt 50,54% kế hoạch vốn giao.
Nguồn: BTV
Theo các Bộ, ngành Trung ương, việc giải ngân vốn đầu tư công chậm do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan đã tồn tại từ lâu, như: Công tác giải phóng mặt bằng, đấu thầu khó khăn, năng lực của chủ đầu tư, nhà thầu yếu kém. Ngoài ra, do dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng đến công tác giải ngân nguồn vốn đầu tư công, nhất là đối với những dự án sử dụng nguồn vốn ODA, dự án có nhập máy móc, thiết bị từ nước ngoài.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các Bộ, ngành Trung ương và địa phương cần phải phát động phong trào thi đua yêu nước về giải quyết vốn đầu tư công, phải có chương trình hành động cụ thể với quyết tâm cao. Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định điều chỉnh vốn đầu tư công đối với những Bộ, ngành, địa phương không giải quyết hết vốn, điều chuyển nguồn vốn cho các địa phương thực hiện tốt việc giải ngân vốn đầu tư công. Sau cuộc họp này, từng Bộ, ngành, địa phương phải gắn việc giải ngân vốn đầu tư công với công tác thi đua, khen thưởng, đồng thời phê bình, xử lý tổ chức, cá nhân trì trệ. Từ Trung ương đến địa phương, cần phải kiểm tra, đánh giá đúng năng lực, công khai minh bạch việc giải ngân vốn đầu tư công trên các phương tiện thông tin đại chúng; cần quan tâm đến công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trên lĩnh vực này.
Tin và ảnh: TIẾN SỸ