80.000 tấn gạo miễn thuế sẽ được xuất khẩu vào EU mỗi năm
Gạo của Việt Nam sẽ được miễn thuế xuất khẩu vào EU khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực từ 1.8. Tuy nhiên, mỗi năm Việt Nam chỉ có 80.000 tấn gạo được hưởng ưu đãi thuế.
Mỗi năm Việt Nam có 80.000 tấn gạo xuất khẩu vào EU được miễn thuế - Ảnh: BỬU ĐẤU
Ủy ban châu Âu (EC) vừa công bố và đưa ra phương thức quản lý về hạn ngạch nhập khẩu đối với một số sản phẩm nông nghiệp và gạo của Việt Nam theo thỏa thuận của Hiệp định EVFTA.
Hạn ngạch nhập khẩu vào EU đối với một số nông sản Việt Nam được áp dụng bắt đầu từ ngày 1.8.
Đối với trứng gia cầm có hạn ngạch từ 1.8 đến 31.12 là 208,334 tấn và hạn ngạch mỗi năm 500 tấn; tỏi (167,668 tấn, hạn ngạch mỗi năm 400 tấn); ngô (lần lượt 2.083,334 tấn, 5.000 tấn); bột sắn (12.500 tấn, 30.000 tấn); cá ngừ (4.791,668 tấn, 11.500 tấn); surimi (208,334 tấn, 500 tấn); đường (8.333,334 tấn, 20.000 tấn); đường đặc biệt (166,668 tấn, 400 tấn); nấm (145,834 tấn, 350 tấn)…
Riêng với xuất khẩu gạo, EC đưa ra một quy định riêng và với hạn mức hằng năm là 80.000 tấn, trong đó có 20.000 tấn gạo đã chà xát, 30.000 tấn gạo đã xay và 30.000 tấn gạo thơm (Hoa nhài 85, ST 5, ST 20, Nàng Hoa 9, VD 20, RVT, OM 4900, OM 5451, Tài nguyên Chợ Đào).
Để đảm bảo việc tiêu thụ và tránh bị dồn ứ mặt hàng gạo trên thị trường, EC đã đưa ra hạn ngạch nhập khẩu cụ thể cho từng loại gạo đối với từng giai đoạn trong năm.
Đối với gạo đã chà xát từ ngày 1.1 đến 31.3 là 10.000 tấn, từ 1.4 đến 30.6 là 5.000 tấn, từ 1.7 đến 30.9 là 5.000 tấn.
Gạo đã xay từ ngày 1.1 đến 31.3 là 15.000 tấn, từ 1.4 đến 30.6 là 7.500 tấn, từ 1.7 tới 30.9 là 7.500 tấn.
Gạo thơm từ ngày 1.1 đến 31.3 là 15.000 tấn, từ 1.4 tới 30.6 là 7.500 tấn, từ 1.7 đến 30.9 là 7.500 tấn.
Ông Nguyễn Như Cường, cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết, EC quy định các lô hàng gạo thơm khi xuất khẩu vào thị trường EU, để được hưởng thuế suất 0% theo hạn ngạch phải có giấy chứng nhận đúng chủng loại (Authenticity certificate) được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.
Theo ông Cường, quy định xác nhận chủng loại gạo chỉ áp dụng với hạn ngạch miễn thuế chứ không phải tất cả gạo của Việt Nam xuất khẩu sang EU.
Các doanh nghiệp không có nhu cầu tham gia trong hạn ngạch miễn giảm thuế quan vẫn xuất khẩu sang EU mà không cần có chứng nhận này.
Theo CHÍ TUỆ (TTO)