Nâng cao hiệu quả quản lý rừng phòng hộ
Bình Ðịnh hiện có hơn 157 nghìn héc ta rừng phòng hộ; trong đó có hơn 137 nghìn héc ta rừng tự nhiên phòng hộ, còn lại là rừng trồng phòng hộ. Bên cạnh công tác quản lý, bảo vệ rừng, tỉnh luôn chú trọng quy hoạch phát triển rừng phòng hộ, góp phần phát triển KT-XH, chống biến đổi khí hậu.
Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Phù Mỹ được giao quản lý hơn 12.600 ha rừng phòng hộ; trong đó có 855 ha rừng phòng hộ ven biển, còn lại là rừng tự nhiên phòng hộ. Ông Trương Tấn Lực, Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện, cho biết: “Trong số diện tích rừng được giao, chúng tôi khoán cho 800 hộ dân tại các địa phương bảo vệ với mức khoán 300 nghìn đồng/ha/hộ/năm, mỗi hộ được khoán không quá 30 ha. Nhờ đó, người dân sống gần rừng có trách nhiệm hơn trong việc quản lý, bảo vệ rừng (BVR), hạn chế được tình trạng xâm hại rừng”.
Các hộ nhận khoán bảo vệ rừng phòng hộ ven biển ở xã Mỹ An (huyện Phù Mỹ) phối hợp với Ban quản lý rừng phòng hộ Phù Mỹ tuần tra, phòng chống cháy rừng mùa nắng nóng.
Tham gia nhận khoán BVR phòng hộ ven biển, ông Trần Đình Thảo, ở thôn Chánh Giáo, xã Mỹ An, cho hay: “Các hộ nhận khoán BVR phi lao ở đây tự thành lập nhóm, phân công người trực hàng ngày và phối hợp với nhân viên của Ban quản lý rừng phòng hộ huyện tuần tra BVR, PCCC rừng. Rừng được bảo vệ tốt sẽ chống cát bay, nước biển xâm thực, nguồn nước sinh hoạt không bị nhiễm mặn”.
Huyện Vĩnh Thạnh và Tây Sơn là hai địa phương làm tốt công tác BVR phòng hộ đầu nguồn với việc thành lập mô hình cộng đồng dân cư và giao khoán diện tích rừng tự nhiên phòng hộ cho cộng đồng quản lý, bảo vệ. Ông Trần Phước Phi, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Vĩnh Thạnh, cho hay: “Chúng tôi được giao quản lý hơn 32.000 ha rừng, trong đó có hơn 21.000 ha rừng tự nhiên phòng hộ được đơn vị giao khoán cho các tổ cộng đồng dân cư tại 8 xã, thị trấn trong huyện quản lý, bảo vệ. Khoán BVR theo mô hình tổ cộng đồng do trưởng thôn hoặc bí thư chi bộ thôn, khu phố làm tổ trưởng điều hành đạt hiệu quả cao hơn so với khoán cho từng hộ dân như trước đây”.
Rừng phòng hộ được chia làm 3 loại: Rừng phòng hộ đầu nguồn có tác dụng chống xói lở đất, giữ nước; rừng phòng hộ ven biển chống cát bay, chắn sóng, ngăn chặn sự xâm nhập mặn của nước biển; rừng phòng hộ bảo vệ môi trường giúp điều hòa khí hậu, ngăn chặn xâm thực, tạo cảnh quan sinh thái.
Còn theo ông Phạm Văn Tuấn, Phó Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Tây Sơn, các tổ cộng đồng dân cư BVR tại các xã: Tây Phú, Tây Xuân, Vĩnh An, Tây Giang, Bình Tân hoạt động tốt, đạt hiệu quả cao. Các hộ dân trong tổ nhận khoán BVR tích cực bảo vệ, trồng, chăm sóc, khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên phòng hộ. Trong số này, có nhiều người trước đây từng làm nghề đốn củi, đốt than, khai thác rừng trái phép nhưng đã bỏ nghề và tham gia nhận khoán bảo vệ rừng.
Công tác bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn trong tỉnh cũng được chú trọng. Cả tỉnh hiện có 88,11 ha rừng ngập mặn tập trung tại khu sinh thái Cồn Chim, vùng ven đầm Thị Nại (huyện Tuy Phước, TP Quy Nhơn), đầm Đề Gi (huyện Phù Cát, Phù Mỹ). Ông Trương Xuân Đưa, Phó Trưởng trạm Nghiên cứu ứng dụng Kỹ thuật Nông nghiệp thuộc Trung tâm Khuyến nông tỉnh (Sở NN&PTNT), cho hay: “Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh trồng mới 15 ha rừng ngập mặn tại vùng đầm Thị Nại, Đề Gi. Riêng khu sinh thái Cồn Chim có 46,8 ha rừng ngập mặn được trồng. Tỉnh cũng hỗ trợ kinh phí để đơn vị khoán cho người dân sống quanh rừng ngập mặn vừa tham gia giữ rừng, vừa xem đây một phần sinh kế của bà con. Về lâu dài khi rừng phát triển tốt hơn, lợi ích bền vững của bà con sẽ theo đó cũng nhiều hơn”.
Thực hiện chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 - 2020, trung bình mỗi năm, các ban quản lý rừng phòng hộ trồng mới thêm 300 ha rừng phòng hộ đầu nguồn, góp phần tăng độ che phủ rừng của tỉnh. Ông Nguyễn Đình Lâm, Trưởng phòng Quản lý, bảo vệ và phát triển rừng Chi cục Kiểm lâm (Sở NN&PTNT), cho biết: “Cùng với việc quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng phòng hộ hiện có, tỉnh định hướng phát triển rừng phòng hộ theo quy mô trồng hỗn loài xen kẽ cây keo lai với các giống cây bản địa, gồm: Sao đen, lim xanh, dầu rái. Từ năm thứ 7 trở đi, cây keo lai sẽ được khai thác để các cây bản địa sinh trưởng, nhằm tăng diện tích rừng phòng hộ”.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN