An Tân sản xuất đậu phụng giống theo chuỗi giá trị
An Tân là xã thuần nông của huyện An Lão, có diện tích rau màu lớn, đặc biệt là cây đậu phụng với hơn 10 ha. Với mục tiêu giúp đồng bào thay đổi tư duy, cách làm hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của DN, tiếp cận với phương pháp sản xuất mang tính hàng hóa, vụ Hè Thu 2020, Trung tâm Khuyến nông tỉnh thực hiện mô hình “Sản xuất đậu phụng giống để cung ứng cho dự án liên kết chuỗi” trên quy mô 2 ha, với 23 hộ tại thôn Thanh Sơn tham gia.
Đại biểu tham quan mô hình sản xuất đậu phụng giống để cung ứng cho dự án liên kết chuỗi ở thôn Thanh Sơn, xã An Tân, huyện An Lão.
Những hộ tham gia thực hiện mô hình được hỗ trợ 70% chi phí mua giống, phân bón; được tập huấn kỹ thuật sản xuất đậu phụng giống và bao tiêu sản phẩm. Giống đậu phụng sử dụng trong mô hình là giống đậu phụng sẻ với nhiều ưu điểm như: Năng suất, chất lượng tốt, tỷ lệ nhân cao, sinh trưởng phát triển phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu tại địa phương, khả năng chống chịu sâu bệnh khá.
Thực tế cho thấy việc thực hiện mô hình đã đem lại nhiều lợi ích, như: Nâng cao kỹ năng sản xuất của nông dân, làm quen với việc canh tác trong chuỗi giá trị, chủ động sản xuất, kết nối thông tin với DN. Bên cạnh đó, giống đậu phụng sẻ hạn chế được sâu, bệnh, côn trùng gây hại, tăng giá trị thương phẩm khiến đồng bào thêm tin tưởng vào cán bộ khuyến nông, nắm chắc các thông tin và thực hiện tốt các kỹ năng được chuyển giao.
Sau 4 tháng triển khai, năng suất thu hoạch của mô hình đạt mức 33,3 tạ/ha, hiệu quả kinh tế cao hơn 12 triệu đồng/ha so với lần canh tác trước đó trên cùng chân đất. Tại hội thảo tổng kết mô hình, nhiều nông dân đề nghị được tham gia sản xuất đậu phụng giống theo chuỗi giá trị trong các vụ tiếp theo. Thống kê sơ bộ tại Hội nghị, ở vụ tiếp theo, tổng diện tích canh tác đậu phụng giống theo chuỗi giá trị ở An Lão tăng thêm 5 ha.
DIỆP THỊ DIỆU