An Lão & phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa: Ði vào chiều sâu, hướng tới thực chất
Ðến nay, hơn 95% gia đình ở huyện An Lão được công nhận đạt chuẩn văn hóa, điều này cho thấy nỗ lực thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa của huyện đã đi vào chiều sâu.
Kết hợp nhiều hoạt động hỗ trợ
Theo Phòng VH&TT huyện, tùy vào tình hình thực tế, ở địa phương sẽ triển khai thực hiện các tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa phù hợp. Công tác xây dựng gia đình văn hóa trên địa bàn huyện được các cấp quan tâm thực hiện, ngày càng đi vào chiều sâu, thu hút được sự hưởng ứng tham gia của người dân. Trong năm 2020, toàn huyện có 57/57 thôn đăng ký xây dựng và giữ vững danh hiệu thôn văn hóa, có 7.667/7.667 hộ đăng ký xây dựng gia đình văn hóa, đạt 100%. Cùng với đó, các ban, ngành, đoàn thể liên quan đã phát động nhiều phong trào như: Xây dựng “Gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, “Gia đình 5 không, 3 sạch” của Hội LHPN; “Ông bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo” của Hội Người cao tuổi; “Cựu chiến binh gương mẫu” của Hội Cựu chiến binh; “Gia đình nông dân văn hóa” của Hội Nông dân… Hầu hết các phong trào này đều lấy gia đình là hạt nhân để xây dựng gia đình văn hóa ở cơ sở.
Giữ gìn và trao truyền các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp là một trong những nội dung của xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Ảnh: HỮU BÁ
Từ việc thực hiện Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, đã xuất hiện nhiều điển hình tạo được sức tác động, sự lan tỏa trong cộng đồng như: Gia đình sản xuất kinh doanh giỏi, tiêu biểu của chị Nguyễn Thị Lan (thị trấn An Lão), gia đình hiếu học tiêu biểu Trịnh Thị Diệu (xã An Hòa), gia đình ấm no, hòa thuận Đinh Văn Voác (xã An Vinh), gia đình ông Nguyễn Xuân Sang (xã An Tân) hạnh phúc, phát triển bền vững tiêu biểu…
Nét chung ở những gia đình này là có nhiều thế hệ chung sống với nhau đầm ấm, hạnh phúc, đoàn kết yêu thương, nuôi dạy con cháu thành đạt. Họ là tấm gương về sự yêu thương và đùm bọc lẫn nhau, về sự bình đẳng giữa các thành viên trong gia đình. Qua đó, góp phần làm chuyển biến nhận thức về vị trí, vai trò của mỗi người, mỗi gia đình trong xây dựng nếp sống văn minh, tuân thủ pháp luật, giữ gìn, phát huy các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp.
Đi vào chiều sâu
Trong thực hiện Phong trào, Phòng VH&TT huyện đã chú trọng hướng dẫn các xã triển khai công tác đăng ký gia đình văn hóa đến tận cơ sở; điều chỉnh, bổ sung các tiêu chí sát thực tế, nâng cao chất lượng danh hiệu thôn, khu dân cư văn hóa. Anh Mai Phương Nam, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn Hưng Nhơn, thị trấn An Lão, cho biết: Việc bình xét danh hiệu hằng năm được thực hiện theo hình thức họp công khai trong từng đội, thôn dựa trên các tiêu chí đã quy định. Công tác bình xét được thực hiện nghiêm túc, dựa trên ý kiến thống nhất của tập thể. Theo đó, những gia đình được công nhận đạt chuẩn văn hóa phải đảm bảo tất cả các tiêu chí như: Thực hiện tốt quy định nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang; gia đình không có người mắc tệ nạn xã hội, phạm tội… Nếu thiếu hoặc thực hiện không đúng tiêu chí thì không được công nhận.
Phó Chủ tịch UBND huyện Lê Văn Thanh nhận xét, ở góc độ nào đó, có lúc, có nơi việc xây dựng gia đình văn hóa, bình xét danh hiệu văn hóa vẫn còn mang tính hình thức, song không thể phủ nhận là phong trào đã tạo môi trường văn hóa lành mạnh ở cơ sở, nhất là gắn chặt tình đoàn kết, tương trợ lẫn nhau của bà con lối xóm. Ở những nơi thực hiện nghiêm túc phong trào, bà con rất trân trọng danh hiệu được công nhận; việc biểu dương khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong xây dựng gia đình, khu dân cư văn hóa đã góp phần đưa phong trào đi vào chiều sâu, khơi dậy niềm tin, thi đua sáng tạo trong nhân dân.
Là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, xã An Quang thực hiện bình xét các danh hiệu văn hóa rất bài bản, nghiêm túc. Chị Đinh Thị Ghiếu, Chủ tịch Hội LHPN xã An Quang, cho hay: Việc xây dựng gia đình văn hóa ở An Quang được triển khai gắn liền với xây dựng gia đình hạnh phúc. Xã đã thành lập nhiều mô hình như: Gia đình đồng bào dân tộc thiểu số không có người vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội; tổ phụ nữ xanh, sạch, đẹp, an toàn; tổ hội viên nòng cốt dân tộc H’re… Các mô hình hoạt động hiệu quả, góp phần đưa các tiêu chí bình xét danh hiệu gia đình văn hóa ngày càng thực chất hơn.
Chị Đinh Thị Chân ở thôn 6, xã An Quang, cho biết: “Năm vừa rồi, thôn tôi có 35 gia đình đăng ký danh hiệu gia đình văn hóa. Cuối năm, khi bình xét chỉ thống nhất công nhận 30 hộ đạt danh hiệu, có 5 hộ bị mất danh hiệu vì không chịu đóng các khoản phí theo đúng quy định pháp luật và hương ước đã thống nhất, hoặc có người vi phạm trật tự ATGT. 5 hộ bị mất danh hiệu thừa nhận cái trật của mình và hứa phấn đấu để được công nhận trong thời gian tới”.
DIỆP DIỆU