Tượng, phù điêu voi ở Bình Định
Voi là biểu tượng linh vật trong Ấn Độ giáo và là vật cưỡi của thần Indra (là một trong ba vị thần tối cao, thần của các vị thần, đồng thời là thần Sấm sét, thần Chiến tranh). Theo các nhà nghiên cứu, nền văn hóa Chăm ảnh hưởng khá nhiều từ văn hóa Ấn Độ, do đó, hình tượng voi cũng được sử dụng nhiều trong điêu khắc Chăm, trong đó có điêu khắc Chăm phong cách Bình Định.
Phù điêu voi (trái) và tượng voi được trưng bày tại Bảo tàng Bình Định.
Đầu tiên có thể kể đến 2 tượng voi ở thành Đồ Bàn (xã Nhơn Hậu, TX An Nhơn), nhiều nhà nghiên cứu cho rằng đây là một cặp voi, một voi vương và một voi hậu. Bên cạnh đó còn có Ganesa được tạo hình đầu voi mình người. Theo Ấn Độ giáo, đây là một vị phúc thần mang đến nhiều điều tốt lành và là thần tùy hành của thần Shiva trên núi Kailasa.
Theo truyền thuyết, sư tử là 1 trong 10 kiếp hóa thân của thần Vishnu, giết được quỷ Hiraya Kapipu. Trong văn hóa Champa, sư tử là dấu hiệu thể hiện vương quyền, biểu tượng cho sức mạnh quý tộc. Tượng Gajasimha được tạo hình là đầu voi mình sư tử. Gajasimha biểu tượng cho sức mạnh vô song. Ngoài Gajasimha đang trưng bày tại Bảo tàng Bình Định có chiều cao 2,15 m, còn có một Gajasimha khác tương đương về hình dáng, kích cỡ, cách thức trang trí, đang được trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Cả 2 tượng này đều được tìm thấy tại phế tích tháp Mẫm (Nhơn Thành, TX An Nhơn). Bên cạnh đó, Bảo tàng Bình Định còn trưng bày 1 tượng Gajasimha tìm được ở phía Nam tháp Cánh Tiên vào năm 1992 với chiều cao 1,5 m, và một tượng tìm thấy ở xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn cao 0,25 m.
Hiện, điêu khắc có hình tượng voi được trưng bày như một chuyên đề khá đầy đủ tại Bảo tàng Bình Định. Để tìm hiểu rõ hơn về hình thù, hoa văn, ý nghĩa trên từng tượng, du khách có thể đến thăm Bảo tàng, nghe thuyết minh viên kể chuyện. Nếu có điều kiện, du khách hãy đến thăm thành Đồ Bàn, không chỉ để ngắm tượng voi vương hiên ngang, voi hậu mềm mại, mà còn chiêm ngưỡng vẻ đẹp của tháp Cánh Tiên, mường tượng khung cảnh sinh hoạt của vương công, quý tộc, người dân trong thành Đồ Bàn xưa.
THẢO YÊN