Đảm bảo trị an để phát triển kinh tế - xã hội
Tiếp tục Kỳ họp thứ 12 HÐND tỉnh khóa XII, chiều 16.7, các đại biểu tham gia thảo luận tại tổ. Phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự, tăng cường các giải pháp đảm bảo trị an xã hội là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm.
Tăng cường trấn áp tội phạm
Nhiều đại biểu (ĐB) ghi nhận, đánh giá cao kết quả công tác đấu tranh trấn áp tội phạm trong 6 tháng đầu năm 2020 của tỉnh, tuy nhiên vẫn còn lo ngại các loại tội phạm đang tiềm ẩn, có nguy cơ bùng phát. Trong đó, đáng ngại nhất là tội phạm về buôn bán, sử dụng chất ma túy và tình hình thanh, thiếu niên tổ chức băng nhóm, sử dụng hung khí đánh nhau gây mất ANTT tại nhiều địa phương trong tỉnh.
ĐB Nguyễn Thanh Trà nêu thực tế loại tội phạm thanh, thiếu niên tổ chức băng nhóm đánh nhau gây thương tích, chết người đang có chiều hướng gia tăng. Ảnh: VĂN LƯU
ĐB Nguyễn Thanh Trà (đơn vị Tây Sơn) nêu ý kiến: “Qua công tác xét xử tại tòa án, loại tội phạm thanh, thiếu niên tổ chức băng nhóm đánh nhau gây thương tích, chết người đang có chiều hướng gia tăng. Bên cạnh đó, tình hình tội phạm về ma túy trên địa bàn tỉnh cũng đáng báo động. Đặc biệt, việc buôn bán, sử dụng chất ma túy, chất gây nghiện đã và đang len lỏi về nhiều vùng nông thôn. Đây là thực tế đáng lo ngại, đòi hỏi UBND tỉnh và các ngành chức năng liên quan cần có biện pháp ngăn chặn, xử lý quyết liệt, triệt để”.
Ngoài ra, tệ nạn băng nhóm đòi nợ thuê, đòi nợ theo kiểu giang hồ, khủng bố tinh thần con nợ cũng được các ĐB đề cập. Thực trạng này ảnh hưởng rất lớn đến tình hình ANTT, gây tâm lý lo lắng cho nhiều người dân. “Nạn tổ chức băng nhóm đòi nợ thuê, đe dọa, đánh đập con nợ không chỉ xảy ra ở khu vực thành phố, đô thị mà đã về tới vùng nông thôn. Các ngành chức năng có liên quan cần có biện pháp xử lý tận gốc tình trạng này”, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Đình Thú đề nghị.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Đình Thú đề nghị cần có biện pháp xử lý tận gốc tình trạng băng nhóm đòi nợ thuê, đe dọa, đánh đập “con nợ”. Ảnh: VĂN LƯU
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long cho rằng, các tổ chức, đơn vị kinh doanh dịch vụ đòi nợ là “vỏ bọc” lý tưởng để nạn cho vay nặng lãi, băng nhóm đòi nợ thuê hoạt động; ảnh hưởng lớn đến tình hình trị an xã hội, gây tâm lý lo lắng cho người dân. Do đó, tại kỳ họp mới đây, Quốc hội đã thông qua Luật Đầu tư (sửa đổi), trong đó có nội dung cấm loại hình kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
“Việc ngăn chặn, trấn áp quyết liệt các loại tội phạm; đảm bảo trật tự, giữ gìn ổn định trị an xã hội sẽ tạo điều kiện thuận lợi để tỉnh tiếp tục thu hút đầu tư, phát triển du lịch. Do vậy, tới đây, UBND tỉnh chỉ đạo CA tỉnh và CA các địa phương xử lý kiên quyết, nghiêm minh các loại tội phạm nói chung và tội phạm về tín dụng đen, buôn bán, sử dụng ma túy, chất gây nghiện nói riêng”, ông Nguyễn Phi Long nhấn mạnh.
Các ĐB tham gia thảo luận tổ. Ảnh: VĂN LƯU
Liên quan đến tình hình ANTT, ĐB Phạm Trương (đơn vị Hoài Nhơn) cho rằng cần có biện pháp khắc phục và chế tài xử lý đối với tình trạng đơn, thư sai. Hiện nay, đơn khiếu nại đúng, có đúng có sai chiếm khoảng 24%, trong khi đơn khiếu nại sai chiếm đến 76%; đơn tố cáo đúng và đúng một phần chỉ chiếm 38%, còn lại 62% là sai. Việc khiếu nại, tố cáo sai này làm mất nhiều thời gian để xử lý, giải quyết bởi theo quy định khi tiếp nhận đơn phải xác minh và tiến hành các bước theo quy định.
Cần quan tâm xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính
Ở một khía cạnh khác của tình hình ANTT, ĐB Huỳnh Thị Ngọc Hà (đơn vị Tuy Phước) nêu thực tế trên địa bàn tỉnh còn nhiều xã, phường, thị trấn chưa được đo đạc, cấp hồ sơ bản đồ địa chính chính quy. Do vậy, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân rất chậm, dẫn đến tranh chấp đất đai, khiếu nại, khiếu kiện diễn ra phức tạp, kéo dài.
Trao đổi về vấn đề này, Giám đốc Sở TN&MT Lê Văn Tùng thông tin, đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh mới chỉ có 5 huyện là Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ, An Lão và Tây Sơn đã xây dựng được cơ sở dữ liệu địa chính thông qua thực hiện Dự án VLAP do Bộ TN&MT tài trợ kinh phí; các địa phương khác chưa thực hiện được.
Để hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính, giúp cho công tác quản lý đất đai được thuận lợi, trong năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị yêu cầu các tỉnh, thành phố trong cả nước phải cân đối nguồn ngân sách địa phương để hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu về hồ sơ địa chính. Sở TN&&MT đã đề xuất UBND tỉnh về vấn đề này và UBND tỉnh cũng đã có văn bản chỉ đạo các địa phương cân đối, xem xét nguồn thu từ đất để thực hiện. Tuy nhiên, từ năm 2018 đến nay, qua theo dõi chưa có địa phương nào cân đối kinh phí để thực hiện. Thời gian qua, Sở đã có báo cáo, kiến nghị UBND tỉnh để có sự quan tâm hơn nữa đối với vấn đề này.
Tạo điều kiện thuận lợi cho người hoạt động không chuyên trách
Ngày 20.7.2018, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 41/QĐ-UBND quy định chức danh, số lượng và một số chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách; mức khoán kinh phí hoạt động đối với MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã, thôn, khu phố trên địa bàn tỉnh. Đây là bước đi cần thiết trong quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị ở cơ sở. Tuy nhiên, quá trình thực hiện tại cơ sở đã nảy sinh nhiều bất cập.
ĐB Trịnh Minh Bình nêu một số kiến nghị xung quanh việc tinh giản con người và chế độ cho người hoạt động không chuyên trách. Ảnh: HỒNG PHÚC
ĐB Trịnh Minh Bình (đơn vị Phù Cát) cho rằng khối lượng công việc hành chính, giải quyết vụ việc, kiến nghị, thủ tục hành chính ở cấp xã rất nhiều. Việc thực hiện Quyết định số 41/QĐ-UBND và sau này là Nghị định số 34/2019/NĐ-CP của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố) đã tạo áp lực rất lớn đến hoạt động quản lý, điều hành, vận hành công việc ở địa phương.
Theo Giám đốc Sở Nội vụ Lâm Hải Giang, Bộ Nội vụ đã nghiên cứu mô hình của tỉnh Bình Định để xây dựng nội dung Nghị định số 34/2019/NĐ-CP. Tuy nhiên, thực tế áp dụng Nghị định số 34/2019/NĐ-CP không ưu việt bằng Quyết định số 41/QĐ-UBND. Nghị định hướng đến tinh giản con người và giảm luôn cả kinh phí; còn quyết định của tỉnh thì tinh giản con người nhưng vẫn giữ nguyên mức khoán kinh phí. Do đó, mức phụ cấp của người hoạt động không chuyên trách trên địa bàn tỉnh tương đối cao so với mặt bằng chung của một số tỉnh trong khu vực.
“Chúng tôi sẽ khảo sát, đánh giá lại toàn bộ ưu, khuyết điểm trong việc thực hiện Quyết định số 41/QĐ-UBND và sẽ lấy ý kiến của các địa phương để tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng tờ trình trình HĐND tỉnh tại kỳ họp thứ 13 sắp tới. Mục đích hướng tới là hài hòa, bảo đảm được số lượng người hoạt động không chuyên trách để thực hiện nhiệm vụ nhưng cũng phù hợp với khả năng ngân sách của tỉnh”, ông Giang thông tin.
VĂN TRANG - NGUYỄN HÂN - VĂN LỰC - HỒNG PHÚC - KIỀU ANH