Ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2020: Củng cố kiến thức, động viên học sinh tự tin
Chỉ còn khoảng 3 tuần ôn thi, gần 17.000 thí sinh sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Ðây là giai đoạn nước rút để các thí sinh củng cố kiến thức, tham gia kỳ thi đạt kết quả tốt.
Giờ ôn tập môn Lịch sử ở Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT Bình Định.
Kỳ thi năm nay có 16.930 thí sinh dự thi, trong đó có 16.233 thí sinh đang theo học 12 hệ THPT; 254 thí sinh đang học 12 hệ giáo dục thường xuyên; 443 thí sinh tự do. Có tất cả 42 điểm thi với 728 phòng thi và 1.904 giáo viên tham gia coi thi.
Dành nhiều quan tâm đến kỳ thi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh, Trưởng Ban chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 chỉ đạo: Dù mục đích kỳ thi là xét tốt nghiệp, theo đánh giá của nhiều giáo viên là đề thi phần nào nhẹ nhàng hơn năm trước nhưng không vì thế mà chủ quan. Các trường bám sát vào đề minh họa của Bộ GD&ÐT tập trung tổ chức ôn tập cho học sinh để các em hoàn thành tốt bài thi. Ðồng thời, chú ý kiểm tra kỹ lưỡng hồ sơ đăng ký dự thi của các em, tránh sai sót đáng tiếc mà các em không được tham gia thi.
Giống như năm ngoái, năm nay tỷ lệ điểm lấy từ kết quả thi chiếm 70%, 30% còn lại là điểm học bạ lớp 12 điểm xét tốt nghiệp THPT cho học sinh. Dù vậy, theo quy chế mới nhất của Bộ GD&ĐT, sau khi có điểm thi sẽ so sánh với kết quả học bạ để biết được năng lực, tính trung thực, khách quan của kỳ thi cũng như quá trình đánh giá học sinh trong năm học.
Thời điểm gần kết thúc học kỳ 2, các trường đã lên kế hoạch ôn thi, ra đề thi bám sát đề thi mẫu của Bộ GD&ĐT để các em làm quen dần. Theo nguyện vọng đăng ký xét tuyển của học sinh mà nhà trường sắp xếp cho các em ôn thi tổ hợp khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội.
Ông Nguyễn Hữu Lộc, Hiệu trưởng Trường THPT số 1 An Nhơn, chia sẻ: Năm nay, học sinh của trường đăng ký tổ hợp khoa học tự nhiên nhiều hơn. Trường hiện có 9 lớp 12 với 350 học sinh, có 115 em đăng ký thi tổ hợp khoa học xã hội, còn lại thi tổ hợp khoa học tự nhiên. Vừa rồi, trường có tổ chức thi khảo sát theo cấu trúc đề thi mẫu của Bộ GD&ĐT, hiện giáo viên đang chấm bài, chưa có kết quả nhưng theo chia sẻ của học sinh, các em làm khá ổn. Kết quả khảo sát là cơ sở để thầy cô quan tâm động viên, hỗ trợ những em nào còn yếu, giúp các em tiếp thu tốt hơn.
Cô Hồ Thị Hồng, giáo viên môn Lịch sử, Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT Bình Định, chia sẻ: Khác với rất nhiều trường, nhiều học sinh của trường đăng ký thi tổ hợp xã hội, đồng thời nhiều em đăng ký xét tuyển đại học khối C nên không chỉ các em mà chúng tôi cũng tập trung cao độ. Để giúp học sinh khắc sâu kiến thức, chúng tôi hệ thống tất cả bằng sơ đồ, đồng thời hướng dẫn các em bám sát sách giáo khoa, gạch chân hoặc tô đậm những kiến thức trọng tâm. Sau đó cho các em làm bài tập theo 4 mức độ: biết - hiểu - vận dụng - vận dụng cao rồi tiếp tục giảng lại. Khó nhớ nhất là sự kiện nhưng hướng ra đề của Bộ không đặt nặng phần hỏi thời gian diễn ra mà chỉ hỏi ý nghĩa, vai trò, các em học cũng nhẹ nhàng hơn.
Chỉ còn khoảng 3 tuần nữa kỳ thi THPT sẽ bắt đầu, đây là thời điểm cả giáo viên và học sinh cùng dồn sức nỗ lực.
- Trong ảnh: Một giờ ôn tập của cô và trò Trường THPT Nguyễn Diêu, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước.
Em Đinh Văn Mãnh, học sinh lớp 12, Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT Bình Định, chia sẻ: Em thi tổ hợp khoa học xã hội và xét tuyển khối C vào ngành Quản lý khách sạn, Trường ĐH Quy Nhơn. Ngoài giờ học trên lớp, thời gian còn lại mỗi ngày em dành cho 1 môn. Tập trung 3 môn xét tuyển đại học, những môn còn lại em học kiến thức cơ bản để không bị liệt.
Với đặc thù trường có nhiều học sinh là VĐV năng khiếu, những lúc các em phải phân bố thời gian cho hoạt động thi đấu, giáo viên Trường THPT Trần Cao Vân thường xuyên nhắc nhở các em tranh thủ coi bài. Giáo viên cũng mở kênh liên lạc qua mạng xã hội để bất cứ lúc nào các em cũng có thể liên lạc, nhờ giáo viên hỗ trợ. Khi hết đợt thi đấu, thầy cô thường gọi các em lại để kiểm tra kiến thức, bù khuyết cho các em.
Tương tự Trường THPT Trần Cao Vân, Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT Bình Định cũng nỗ lực rất nhiều. Ông Trần Xuân Bình, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: Theo lịch của Sở GD&ĐT, trường được tổ chức ôn tập trong 5 tuần (từ 29.6 - 4.8), dù vậy, nhà trường vận động giáo viên giúp đỡ các em thêm 1 tuần nữa để nắm chắc kiến thức hơn. Bên cạnh đó, chiều tối các em tự học, nhà trường phân công quản lý để giải đáp thắc mắc cho học sinh, kể cả Chủ nhật. Các em chỉ được nghỉ chiều với tối thứ Bảy thôi. Từ khi bắt đầu tổ chức ôn thi, nhà trường không cho các em về quê nữa mà tập trung ôn thi. 2 môn học sinh của trường yếu nhất là Toán và tiếng Anh nên ở 2 môn này giáo viên tập trung dạy ở mức chống liệt, bám sát thang 4 - 5 điểm. Vừa rồi, nhà trường cho các em làm bài thi thử, kết quả khá tốt. Cũng không thể đề ra mục tiêu trước, thầy trò cứ cố gắng hết sức thôi.
THẢO KHUY