Phải từ gốc !
Gần đây, nhiều ngành liên tiếp ban hành các chỉ thị để tăng cường công tác quản lý ở rất nhiều lĩnh vực.
Có thể đơn cử một vài ví dụ: Ngành y tế thì kiểm tra thực phẩm chức năng, kiểm tra thẩm mỹ viện, kiểm tra phòng khám bệnh Trung Quốc, kiểm tra tiêm phòng vắc xin…; Ngành giáo dục thì kiểm tra các trường tuyển sinh bừa bãi, kiểm tra việc tổ chức các nhóm trẻ gia đình, kiểm tra sách giáo khoa có nội dung bậy bạ…; ngành hải quan kiểm tra quy trình kiểm tra, thông quan hàng hóa, kiểm soát ma túy… tại các cửa khẩu.
Có thể nói, kiểm tra là hoạt động hết sức bình thường của các cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ đã được phân công. Công tác kiểm tra trong quản lý nhà nước là nhằm phát hiện, xử lý và đặc biệt là ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm nhằm đảm bảo lợi ích chung của xã hội.
Theo lẽ thường là vậy. Và có lẽ cũng không can cớ gì mà xã hội lại phải… “lăn tăn” về chuyện tăng cường kiểm tra, quản lý của các ngành nêu trên. Tuy nhiên, cái mà xã hội không thể không “lăn tăn” là các động thái đã nêu chỉ được diễn ra khi mà nhiều vụ việc be bét, gây hậu quả cực kỳ nghiêm trọng trong các lĩnh vực này được báo chí phanh phui. Và chỉ đến lúc ấy thì xã hội mới biết quá nhiều những vi phạm đã và đang xảy ra hàng ngày, trong một thời gian dài nhưng không hề được các cơ quan quản lý phát hiện, ngăn chặn hay cảnh báo từ trước. Điều đó có nghĩa là các cơ quan quản lý đều phản xạ theo kiểu… “giật mình”, các việc tăng cường này nọ chỉ là phản ứng trước những “sự đã rồi”. Chính vì vậy xã hội đã phải trả giá đắt cho sự tắc trách của các cơ quan và các cá nhân được giao nhiệm vụ.
Vì vậy, để giảm thiểu đến mức thấp nhất các sự việc đáng tiếc, đau lòng, gây hậu quả nghiêm trọng như vừa qua, công tác quản lý phải được thực hiện từ gốc một cách chủ động, không nên “giật mình” như lâu nay.
Ngôn Trần