Giao nộp vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ: Điểm sáng Phù Cát
Với cách tiếp cận phù hợp của lực lượng chức năng, người dân huyện Phù Cát đã có ý thức tự giác hơn trong việc giao nộp vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, góp phần giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
“Hết giờ làm, thay vì quây quần bên gia đình, các anh CA lại tìm đến nhà mình nói chuyện, phân tích những rủi ro nếu để súng trong nhà. Nghĩ tới nghĩ lui, thấy việc làm đó đâu phải vì họ mà cho chính người dân mình, thế nên tôi quyết định giao nộp súng”, đó là chia sẻ của ông Từ Văn Nghĩa (xã Cát Lâm) sau khi quyết định giao nộp khẩu súng đã gắn bó với ông cả một thời trai trẻ. Trước đây, ông Nghĩa được cấp giấy sử dụng súng, nhưng sau khi Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (khóa XII) về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (VK, VLN, CCHT) đi vào cuộc sống thì việc cất giữ hay sử dụng súng như ông Nghĩa là không đúng quy định. Nhưng đó là kỷ niệm, là một tài sản có giá trị nên ông Nghĩa cứ khất lần... cho đến khi sự mềm mỏng, kiên trì của các anh CA đã thuyết phục được ông. Trung tá Nguyễn Ngọc Quang, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, CA huyện, chia sẻ: “Chúng tôi đã phải kiên trì, linh động và hiểu rõ tình hình, hoàn cảnh của từng cá nhân, từ đó phân tích để họ thấy được việc để súng trong nhà rất nguy hiểm, cần giao nộp để đề phòng hiểm họa”.
Thông qua công tác vận động, thuyết phục của CA huyện, nhiều người dân ở Phù Cát đã tự giác giao nộp súng.
Để thuyết phục bà con tự nguyện giao nộp các loại VK, hung khí, VLN, CA huyện Phù Cát đã có nhiều cách làm hiệu quả. Trong đó, CA huyện tập trung rà soát, lập danh sách các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan đến VK, VLN, CCHT, nhất là tại các địa bàn trọng điểm, phức tạp về ANTT. Các đối tượng có biểu hiện nghi vấn tàng trữ, sử dụng vũ khí trái phép được đưa vào “tầm ngắm” để kiểm tra, phân loại. Bên cạnh đó, CA huyện tích cực phát huy vai trò của những người có uy tín trong thôn, xóm và dòng tộc để thành lập các tổ công tác đến cơ sở vận động theo phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” tuyên truyền và thuyết phục. Chủ động phối hợp với CA xã, chính quyền các địa phương vận động nhân dân tham gia phát hiện, tố giác, đấu tranh ngăn chặn các hoạt động buôn bán, vận chuyển, sử dụng trái phép các loại VK, VLN, CCHT. Nhờ vậy, người dân đã tự giác giao nộp hơn 60 khẩu súng, gồm súng hơi và súng tự chế. Riêng từ đầu năm đến nay, CA xã, huyện còn vận động thu giữ thêm 4 khẩu súng săn, 3 súng hơi và 7 súng tự chế; xác minh làm rõ 13 trường hợp đặt mua các linh kiện súng hơi, CCHT thông qua dịch vụ chuyển phát nhanh; trong đó xử phạt hành chính 4 trường hợp, tịch thu 4 khẩu súng hơi. Anh Nguyễn Văn Hoàng (xã Cát Hưng) bỏ ra hơn 8 triệu đồng mua súng và chưa sử dụng lần nào cũng đem giao nộp. “Tôi đặt mua súng trên mạng và được người bán chia nhỏ hàng ra gửi nhiều lần thông qua đường bưu điện. Khi lực lượng CA phát hiện, đến nhà vận động, dù rất tiếc số tiền đã bỏ ra, nhưng nghĩ đến sự an toàn cho mình và mọi người nên tôi quyết định giao nộp”, anh Hoàng cho biết.
Dù đã đạt được kết quả đáng ghi nhận, song thượng tá Nguyễn Chí Linh, Trưởng CA huyện Phù Cát, cho biết: “Việc tuyên truyền, vận động, thu hồi VK, VLN, CCHT trên địa bàn huyện cũng còn gặp khó khăn do nhận thức của một bộ phận người dân hạn chế; một số chi bộ và các tổ chức đoàn thể chưa phát huy được vai trò và trách nhiệm trong việc đấu tranh, tố giác những người cố tình không chấp hành việc giao nộp VK, VLN, CCHT. Do đó, CA huyện sẽ tiếp tục nâng cao nhận thức, giúp người dân hiểu thấu đáo về chủ trương thu hồi và tự nguyện giao nộp VK, VLN, CCHT. Song song đó, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục tăng cường bám sát để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những người cố tình vi phạm”.
K.ANH