Bơi lội Bình Định: Rất cần những cú hích
Cơ sở vật chất thiếu thốn, chất xúc tác thúc đẩy phong trào hầu như không có, chẳng những thành tích bơi lội Bình Ðịnh ở các giải quốc gia, kể cả giải trẻ trong những năm gần đây khan hiếm mà cả trong phong trào cũng có dấu hiệu giảm sút. Ðây là vấn đề đáng báo động…
Đội tuyển: Khó nhiều bề
Đến khu vực hồ bơi thuộc sự quản lý của Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh một sáng giữa tháng 7, chúng tôi thấy lạ khi chỉ có vài VĐV nhí cùng HLV Trần Kiếm Thu. Như hiểu được sự ngạc nhiên của khách, ông Thu lý giải: “Hồ đang bơm nước, phải vài ngày nữa mới đầy nên các em chỉ tập động tác trên bờ”. Từng là hồ bơi hiện đại hàng đầu của cả nước, đăng cai nhiều giải bơi vô địch quốc gia, nhưng nay hồ bơi Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh xuống cấp nặng nề. Vì vậy, cứ 3 - 4 tuần, HLV, VĐV lại phải tháo nước, chùi rửa hồ, thay nước mới có thể tiếp tục tập luyện.
Ngoài chức năng là nơi tập luyện của VĐV, hồ bơi Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh còn là địa điểm tập huấn cứu đuối. Do nhiều hạng mục xuống cấp, phong trào bơi lội trong tỉnh chưa mạnh nên rất ít giải đấu được tổ chức.
Hiện nay, kể cả VĐV tuyến trẻ, đội tuyển bơi lội Bình Định chỉ có 23 VĐV. Cùng với sự xuống cấp của hồ bơi - nơi tập luyện duy nhất của cả đội - thành tích của bơi lội Bình Định ở các giải quốc gia cũng giảm dần. Từ sau khi Nguyễn Đình Nhật Nam giành 1 HCB, 1 HCĐ ở giải bơi Đại hội TDTT toàn quốc năm 2010, Bình Định hầu như không đạt thành tích nào đáng kể ở các giải vô địch bơi lội quốc gia. Số huy chương giành được ở các giải trẻ cũng teo tóp dần. Ở Giải bơi lặn vô địch các nhóm tuổi quốc gia năm 2020 diễn ra cách đây 1 tháng tại Quảng Ninh, đội bơi Bình Định không giành được huy chương nào.
HLV Trần Kiếm Thu chia sẻ: “Điều kiện tập luyện của chúng ta thua kém nhiều tỉnh, thành khác. Chế độ dinh dưỡng cũng chưa tương xứng nên rất khó cạnh tranh huy chương, nhất là khi hiện nay rất nhiều địa phương đầu tư mạnh cho môn bơi. Ở thời điểm hiện tại, VĐV được cho là có triển vọng nhất của tỉnh là Trương Ngọc Tổng, từng giành 3 HCB ở Giải vô địch bơi, lặn các CLB quốc gia năm 2017, nhưng nếu vẫn chỉ được đầu tư tập luyện và ăn uống như những VĐV khác thì khó có thể tranh chấp huy chương”.
Cần lắm những giải đấu
Ngoài những khó khăn kể trên, các HLV bơi lội Bình Định còn đau đầu khi đến mùa tuyển sinh. Không có bất kỳ giải đấu nào được tổ chức hàng năm, họ chỉ còn cách xuống các địa phương, trường học, tuyển chọn những em phù hợp độ tuổi, chiều cao, độ dẻo. Quá trình huấn luyện coi như phải làm hết từ đầu, do đó, phải mất 2 - 3 năm một VĐV mới nắm vững những kỹ thuật cơ bản. Trung bình vài chục em mới xác định được vài em có tố chất để hướng theo con đường chuyên nghiệp. Việc đào thải liên tục vừa gây tốn kém kinh phí, vừa ảnh hưởng đến vấn đề học tập của VĐV.
Trong vài năm gần đây, với sự kêu gọi của nhiều cấp, ngành về tăng cường các biện pháp phòng chống đuối nước cho trẻ em, ở một số địa phương đã quan tâm hơn đến việc dạy bơi cho trẻ. Một số hồ bơi được các tổ chức trao tặng, xây dựng ở các trường học. Nhờ đó, số trẻ em biết bơi đã tăng lên. Nhưng từ chỗ “biết bơi” đến thành thạo kỹ thuật, kỹ năng là một đoạn đường dài. Hơn nữa để thúc đẩy việc luyện tập, rất cần những giải đấu để các em cọ xát, có thêm động lực tập luyện, thay vì phải chờ đến những kỳ Đại hội TDTT toàn tỉnh.
Một lãnh đạo Phòng Quản lý TDTT (Sở VH&TT) cho hay: Hiện nay tỉnh đã có chủ trương cải tạo, sửa chữa hồ bơi Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh. Các sở, ngành đang triển khai các bước cần thiết để hoàn tất thủ tục, giao cho nhà thầu thi công. Dự kiến sẽ lát mới lớp gạch men trong hồ; sửa chữa khu vực nhà vệ sinh; sơn lại khu vực khán đài… Theo tính toán, công trình hoàn thành sớm nhất vào cuối năm nay. Theo chỉ đạo của lãnh đạo Sở VH&TT, hiện Phòng Quản lý TDTT đã lên kế hoạch tổ chức giải bơi toàn tỉnh ngay tại sự kiện khánh thành hồ bơi.
Theo chúng tôi, với tầm quan trọng của bộ môn bơi lội, việc nâng cấp, sửa chữa hồ bơi cần tính toán thêm đến việc trang bị máy lọc nước và mái che để tăng hiệu suất sử dụng (trong điều kiện trời nắng vẫn hoạt động được). Bên cạnh đó, cần duy trì tổ chức giải cấp tỉnh hàng năm ở nhiều độ tuổi, dần tiến tới việc chia theo nội dung thi đấu để dần phát triển phong trào bơi lội trên địa bàn toàn tỉnh. Có như vậy, thành tích của bộ môn bơi lội mới được cải thiện, quan trọng hơn là công tác phòng chống đuối nước cho trẻ em mới đạt được hiệu quả tích cực.
HOÀNG QUÂN