Chất ngất đá Cù Lao Xanh
Cù Lao Xanh - tên thường gọi của xã đảo Nhơn Châu, TP Quy Nhơn - được tạo thành bởi hai hòn núi mà người địa phương gọi là hòn lớn (phía Bắc) và hòn nhỏ (phía Nam), được kết nối với nhau bằng một dải đất bằng và hẹp chạy từ vũng trước ra vũng sau. Sinh thời, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Nhân dành nhiều thời gian, tâm huyết cho văn hóa dân gian Cù Lao Xanh. Ông từng ví Cù Lao Xanh như một con rồng với đầu là hòn nhỏ và thân mình, đuôi là hòn lớn. Nhìn từ trên cao xuống, con rồng như đang quẫy, đang vờn chuẩn bị bay lên. Và những mênh mông đá khiến con rồng ấy thêm phần quyến rũ lạ thường.
“Bàn cờ tiên” ở Cù Lao Xanh.
Con đường bê tông bằng phẳng rộng rãi nối hai hòn núi lại với nhau, tạo thuận lợi rất nhiều so với ngày xưa khi bạn muốn khám phá Cù Lao Xanh. Bạn có thể đi theo xe chở khách của các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên đảo, hoặc thuê xe gắn máy để tự mình trải nghiệm những cung đường đá tuyệt đẹp, gọi như vậy là bởi đâu đâu cũng thấy những tảng đá, nhóm đá với nhiều hình thù, màu sắc. Đi trên con đường đó, đứng ở vị trí đó, giương máy ảnh lên để ghi lại những khuôn hình như ý xong. Khi xem lại vẫn thấy ảnh đẹp đấy nhưng chưa thể so sánh với những góc nhìn thật. Thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất này một món quà quý giá bất ngờ.
Rất nhiều người thích leo lên và ngồi ở lưng chừng những khối đá lớn xen lẫn với những bụi cây thấp, ngắm xuống bên dưới và xung quanh là biển cả mênh mông với những con tàu đánh cá. Nơi “hội tụ đá” thường được những người làm du lịch ở địa phương hướng dẫn du khách đến tham quan, đó là thảo nguyên đá. Bạn chỉ cần vài phút đi len lỏi qua những khối đá nhiều hình thù là đến một khu đất bằng phẳng ở vị thế như đang vươn mình ra biển. Từ đây có thể ngắm cảnh theo cả 4 hướng, nhìn trước mặt là biển mênh mông, nhìn sau lưng là đồi núi đá, nhìn tay trái và tay phải đều có nhiều gành đá rất đẹp, được thiên nhiên “ngẫu hứng” tạo hình khác nhau và nối tiếp chạy dài nô đùa cùng sóng biển.
Thảo nguyên đá thu hút nhiều du khách đến tham quan.
Nhiều du khách thường chỉ bỏ công leo lên “check in” hải đăng và cột cờ Tổ quốc ở Hải Đăng ở Nhơn Châu, mà không để ý rằng ở khoảng sân giữa đường lên hai điểm này có mở một “cổng nhỏ” (không có bảng hướng dẫn) đi xuống bãi đá cổ có các tảng đá hình “bàn tay người khổng lồ” mà nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Nhân khi đến đây đã cho rằng là của người Sa Huỳnh dùng công cụ thô sơ bằng sắt để đục chạm lên. Kỳ thú hơn nữa, gần bãi đá cổ này còn có “bàn cờ tiên” theo truyền thuyết của người dân địa phương vào những đêm trăng sáng, các lão tiên thường từ trên trời bay xuống chơi cờ... Theo người cao tuổi ở địa phương, do sụt lở theo năm tháng chứ trước đây bàn cờ tiên có hình chữ nhật còn dài rộng hơn, các vạch kẻ bị cát lấp chứ độ khắc sâu trong đá phải gần nửa gang tay... Từ bàn cờ tiên đi lên khoảng vài chục mét là “giếng tiên” nằm trong lòng núi, nước trong vắt không bao giờ cạn từ bao đời nay.
Tảng đá lớn giống hình bàn tay người ở bãi đá cổ tại Cù Lao Xanh.
Nếu bạn đi thuyền đi vòng quanh đảo nhìn vào sẽ có thấy nhiều tảng đá rất lớn giống như hình con cá, ếch, chim két, cột buồm, mái nhà... rất thú vị. Từ khu vực cầu tàu của Cù Lao Xanh, nhìn về phía Nam (khá gần hòn nhỏ) còn nổi lên giữa biển một núi đá trơ trọi, đi thuyền ngang qua gần hơn sẽ thấy giống hình ông già đang ngồi chống cằm trầm tư trước biển. Trên núi này có nhiều hang hốc đá, trước đây có nhiều chim yến vào làm tổ nên người dân địa phương có câu ca: “Xa xa Hòn Yến – Ông Già/ Có đôi chim yến là đà đang bay.
Du khách đến bến Hàm Tử (phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn) di chuyển ra Cù Lao Xanh bằng ca nô cao tốc với thời gian khoảng 30 phút, theo đoàn hoặc ghép khách lẻ đi cùng đoàn; nếu đi đò sẽ mất khoảng 2 giờ đồng hồ (giá 30.000 đồng/người, từ Quy Nhơn đi buổi sáng lúc 8 giờ, chiều lúc 13 giờ; từ Cù Lao Xanh về buổi sáng lúc 7 giờ 30, chiều lúc 14 giờ).
Tại Cù Lao Xanh hiện có khá nhiều cơ sở, DN kinh doanh dịch vụ du lịch, phục vụ lưu trú, ăn uống, tham quan, tắm biển, lặn săn hô cho du khách. Một trong số này là Cù Lao Xanh Travel (0868302239).
HOÀI THU