Day dứt
● Truyện ngắn của Trần Hoàng Mai
Nhiều năm rồi, Loan về quê giỗ bố nhưng trong lòng nặng trĩu vì ngại bắt gặp ánh nhìn từ những tấm di ảnh trên bàn thờ.
Bố mẹ Loan sống với nhau hạnh phúc. Với vẻ ngoài lịch lãm, đẹp trai, đi đến đâu bố cũng có người theo. Mẹ cũng vậy, lắm người say nắng ngay cả khi “ván đã đóng thuyền”. Bố là thương binh nhưng khi rời quân ngũ, ông lại không hồ hởi về quê, lấy vợ, sinh con như những người đàn ông khác. Bao cô gái “xin chết” mà ông vẫn dửng dưng nên các cô lặng lẽ rút lui. Ông một mình chiếc bóng cho đến khi gặp mẹ Loan.
Tình cờ, trời khiến thế nào, ông lại là người đưa bà vào bệnh viện khi bà cùng chí, nghĩ quẩn. Sau một đêm thức trắng với bà, mọi người thấy ông và bà chẳng rời nhau. Ai cũng lấy làm lạ.
Đám cưới của ông bà diễn ra trong sự ngỡ ngàng của nhiều người nhất là những người thích buôn chuyện. Mặc kệ tất cả, ông và bà vẫn rạng ngời hạnh phúc trong ngày cưới rồi niềm vui vỡ òa khi Loan cất tiếng khóc chào đời. Loan lớn dần lên trong tình yêu thương của cả cha lẫn mẹ, và đó cũng chính là niềm tự hào mỗi khi nhắc đến gia đình.
Cứ ngỡ mọi chuyện sẽ mãi êm đềm như thế, bố mẹ và Loan, vườn rau, giếng nước luống hoa, tiếng hát nho nhỏ của bên góc học tập, những khi bố thấy vui bố bày khung giá ra vẽ; chỉ vẽ những thứ quanh quanh gần nhà nhưng mẹ và Loan rất thích; những buổi chiều chờ cơm sôi mẹ lại ôm Loan vào lòng rủ rỉ rù rì chuyện chuyện trò trò. Nhưng một biến cố xảy đến khi bác sĩ thông báo với bố, mẹ bị ung thư tủy giai đoạn cuối. Nỗi đau ngập tràn gia đình nhỏ. Không còn tiếng cười của bố. Không còn tiếng hát khe khẽ của Loan như mọi khi. Bố trầm hẳn, thường nhìn mẹ với ánh mắt đau đáu. Loan sợ ánh mắt ấy, nó thăm thẳm, da diết, khắc khoải thế nào ấy. Bố không nói nhiều mà chỉ nắm tay mẹ rồi nhìn mẹ như vậy. Nhiều lần bắt gặp bố gạt vội hai hàng nước mắt và bước nhanh ra khỏi phòng mẹ cũng có khi bố ôm Loan ghì thật chặt vào lòng và nước mắt rơi ướt cả tóc. Có lẽ trên đời này ít có người đàn ông như bố. Loan tự hào về điều đó.
Ngày mẹ mất, bố hụt hẫng, bỏ ăn, rồi ốm nặng tưởng chừng không qua khỏi. Suốt ngày bố ra mộ, rồi lại về lau dọn bàn thờ, cúng mẹ bát cơm, nói chuyện với di ảnh của mẹ. Nhìn cảnh ấy chẳng ai cầm được nước mắt, Loan đau lòng nhưng tận sâu trong trái tim mình, Loan tự an ủi rằng mẹ là người phụ nữ may mắn khi có được người chồng như bố.
Một năm sau ngày mẹ mất, có người rỉ tai Loan là bố có bồ. Bán tín, bán nghi, Loan đi rình. Sau nhiều con hẻm, Loan dừng chân trước một căn phòng trọ tồi tàn. Ra mở cửa cho bố là một người phụ nữ trạc tuổi mẹ, máu nóng trong người sôi lên, không nhịn được, Loan xô cửa xông vào. Bố lắp bắp: “Loan, Lo…..oan, con, con, con đi đâu đấy?, để bố giải thích với con”. Loan gào lên: “Câu này con phải hỏi bố mới phải, con không thể ngờ. Còn bà. Bà là người phụ nữ cướp chồng của người khác. Bà cướp bố của tôi. Tôi căm thù bà”. Đang cơn điên thì Loan nhận được cái tát trời giáng từ bố. Ôm mặt chạy ra khỏi nhà người đàn bà kia, Loan lang thang hết con phố này đến con phố khác. Nghĩ đến bàn thờ mẹ chưa thôi khói hương, Loan thấy lòng mình nhói đau, thần tượng là bố trong Loan sụp đổ, mọi thứ xung quanh quay cuồng, chao đảo. 10 giờ đêm hôm ấy, bố tìm thấy Loan và ông đã ôm con gái khóc nức nở như một đứa trẻ. Ngày mẹ mất, bố cũng chưa khóc dữ dội đến như vậy. Người ta bảo, đàn ông không khóc được là nước mắt lặn vào trong.
Nhiều ngày sau đó, bố kể về người phụ nữ tên Tâm ấy, bà là đồng đội, là người yêu cũ của bố. Nhiều năm nay mất liên lạc vì bà mang trong người chất độc da cam nên trốn chạy bố. Bà ấy không còn ai thân thích. Bố qua lại là vì cái tình và cái nghĩa năm xưa.
Một tuần sau, bố nhận được điện thoại của bệnh viện báo bà ta nhập viện, ốm nặng. Bố thương lượng với Loan cho ông chăm sóc bà ấy như một người bạn. Loan không chấp nhận vì không muốn bố lấy cớ chăm sóc, qua lại với bà ta rồi biết đâu, có ngày lại tình cũ không rủ cũng tới, ôm ấp yêu thương bà ta, thủ thỉ trong tai bà ta những câu như đã từng nói với mẹ là Loan không chịu được. Bà ấy không thể là người hằng đêm thay thế mẹ, đầu gối tay ấp với bố. Nghĩ đến đấy, Loan sôi máu chỉ muốn cấu xé bà ấy. Nhưng chẳng hiểu do phép màu hay do tình yêu mà bà ta khỏe hẳn và từ cõi chết trở về khiến bố mừng ra mặt.
Sáu tháng sau, một cuộc điện thoại từ bệnh viện lại gọi cho bố nhưng là vào nhìn mặt bà ấy lần cuối. Ngày bà ấy mất, Loan như trút được gánh nặng trong lòng vì không còn lo bà ta cướp mất bố. Sau đám tang, bố lại ốm và cũng chỉ 6 tháng sau ông qua đời để lại sự trống vắng miên man trong tâm hồn Loan.
Mãn tang bố, Loan lấy chồng, căn nhà để lại cho người bà con ở nhờ và hương khói cho bố mẹ. Ngày dọn nhà, Loan bắt gặp cuốn sổ màu đỏ, đã sờn góc. Đó là quyển nhật ký bố mà lần đầu tiên Loan biết đến sự hiện diện của nó.
Loan không phải là con đẻ của bố mà chỉ là kết quả của mối tình ngang trái mẹ trót dại. Với mẹ con Loan, bố là ân nhân. Có một bí mật nhói lòng mà bố chôn chặt nhiều năm đó là kể từ khi bị thương bố đã không còn là đàn ông. Chiến tranh đã cướp đi niềm hạnh phúc làm chồng, làm cha của bố chính vì vậy nhiều năm, bố không yêu ai và lấy ai. Cả bố và mẹ không ai để lộ nỗi đau của mình ra ngoài nên Loan và mọi người chẳng ai biết.
Những giọt nước mắt mặn đắng đầy sám hối của Loan rơi kín trang nhật ký. Loan gấp vội cuốn sổ và gào lên trong tiếng nấc nghẹn nghào: “Bố ơi, con sai rồi, bố tha lỗi cho con, ngàn lần con xin bố tha thứ” rồi cứ thế chạy như bay ra mộ bố mà thổn thức và ăn năn về những gì mình đã gây ra. Cả cuộc đời, bố đã hy sinh cho mẹ con Loan nhiều quá. Loan không ngờ số phận của ba con người gắn chặt với cuộc đời Loan lại nghiệt ngã và đáng thương đến vậy. Sự ích kỷ và cay nghiệt của Loan đã khiến cho mọi người đau khổ. Loan day dứt và sám hối. Mỗi người trong cái gia đình này đều có những nỗi đau riêng mà không và chưa bao giờ Loan chạm tới…… tất cả bởi chiến tranh.