Tăng cường quản lý thuế hộ kinh doanh cá nhân
Cục Thuế tỉnh đã triển khai chuyên đề rà soát, đánh giá lại công tác quản lý thuế đối với hộ kinh doanh cá nhân trên địa bàn tỉnh. Qua đó, cho thấy cần có những giải pháp tăng cường công tác quản lý, đồng thời hỗ trợ tốt hơn hộ kinh doanh cá nhân.
Những vấn đề sau rà soát
Đầu tháng 5.2020, Cục Thuế tỉnh đã giao Phòng Hộ kinh doanh cá nhân (HKDCN) chủ trì triển khai chuyên đề rà soát, đánh giá công tác quản lý thuế HKDCN trên địa bàn tỉnh. Kết quả khảo sát, Cục Thuế tỉnh tổng hợp có 88.022 HKDCN, được phân loại: 17.817 HKDCN phải nộp thuế, 22.138 HKDCN đưa vào quản lý thuế nhưng không thu thuế (do mức doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm), gần 40.000 hộ nghỉ kinh doanh, bỏ địa chỉ, trùng tên...
Qua rà soát, nhiều hộ kinh doanh cá nhân ở các làng nghề truyền thống của TX An Nhơn đủ điều kiện để lập bộ thuế khoán, song chưa được quản lý đầy đủ.
-Trong ảnh: Làng nghề truyền thống bún bánh An Thái ( xã Nhơn Phúc).
Đáng chú ý là, còn khoảng 22.000/88.022 HKDCN chưa được rà soát, tập trung ở Quy Nhơn, An Nhơn, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn. Ngoài ra, số liệu thống kê hộ theo danh sách của Cục Thống kê tỉnh và số liệu quản lý của ngành Thuế ở các địa phương có sự chênh lệch rất lớn. Từ đó, đã cho thấy 2 vấn đề: Công tác quản lý HKDCN chưa toàn diện, gây thất thu ngân sách đối với các hộ có doanh thu lớn, đủ điều kiện để lập bộ thuế khoán; thiếu cơ sở để kịp thời hỗ trợ với các hộ phát triển và quy mô lớn cần được hỗ trợ, tư vấn các chính sách chuyển đổi thành DN địa phương.
Công tác rà soát HKDCN trong tỉnh là bước đầu trong chuyên đề quản lý thuế HKDCN mà Cục Thuế tỉnh triển khai để đánh giá lại các nguồn thu ngân sách của địa phương; đồng thời hỗ trợ cho người nộp thuế tốt nhất.
Theo phân tích từ các cơ quan chuyên môn, bên cạnh đóng góp vào ngân sách nhà nước, HKDCN đóng góp quan trọng trong sự phát triển KT-XH của địa phương ở phương diện tạo việc làm cho người lao động, ổn định sinh kế. Rà soát, nắm bắt toàn diện hoạt động của HKDCN không chỉ đáp ứng mục tiêu chống thất thu ngân sách, mà còn kịp thời tháo gỡ những khó khăn về chính sách, động viên các hộ phát triển kinh doanh.
Đánh giá toàn diện để có giải pháp cụ thể
Ông Phạm Trung Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Thuế An Nhơn, cho biết, năm 2020, đơn vị quản lý 2.615 HKDCN (trong đó có 803 hộ mức doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm), tổng số thuế lập bộ là 14,5 tỷ đồng; tính đến cuối tháng 6.2020, số thu thuế HKDCN đạt hơn 4,9 tỷ đồng. Thực tế, số hộ được theo dõi, quản lý so với số liệu HKDCN của cơ quan thống kê tại các địa phương là rất thấp (2.615/15.370 HKDCN). Hằng năm, công tác thu thuế HKDCN dựa vào danh sách thống kê của các địa phương, thông qua Hội đồng tư vấn thuế cấp cơ sở lập bộ thuế khoán và thực hiện kế hoạch thu. Từ kết quả khảo sát của Cục Thuế tỉnh, Chi cục Thuế An Nhơn cùng với các cấp chính quyền TX An Nhơn sẽ có những điều chỉnh trong công tác quản lý thuế HKDCN.
Tại địa bàn TX Hoài Nhơn, số liệu thống kê có hơn 13.000 HKDCN hoạt động, trong khi đó ngành Thuế lập bộ thu hơn 3.632 HKDCN/tổng tiền hơn 3 tỷ đồng/tháng. Đối chiếu với thực tế hoạt động kinh doanh, nhiều hộ có quy mô phát triển ngang tầm của DN, việc đóng ngân sách như thế là chưa tương xứng. Ông Phạm Minh Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Thuế khu vực Hoài Nhơn - Hoài Ân - An Lão, cho biết, đơn vị đã lập danh sách, báo cáo lên Cục Thuế tỉnh, UBND TX Hoài Nhơn về tình hình hoạt động của các HKDCN trên địa bàn. Trước mắt Chi cục Thuế khu vực phối hợp với chính quyền các cấp TX Hoài Nhơn tổ chức làm việc trực tiếp với các HKDCN, thông báo các chính sách thuế liên quan, công tác quản lý; lắng nghe ý kiến đóng góp từ phía chính quyền địa phương, hộ kinh doanh, xây dựng giải pháp phù hợp trong công tác quản lý HKDCN trên địa bàn TX Hoài Nhơn.
Theo Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Nguyễn Đẩu, chuyên đề khảo sát toàn ngành công tác quản lý thuế HKDCN dựa trên các số liệu tham chiếu: Doanh thu trực tiếp hằng quý, hằng năm so với lập bộ thuế hằng năm; đối chiếu với tỷ lệ phát hành hóa đơn bán lẻ, hàng nhập kho - tồn kho, đối chiếu thực tế với các đại lý cấp 1 ở trên địa bàn; so sánh giữa các hộ kinh doanh cùng ngành nghề trên cùng địa bàn, tham chiếu với các địa phương khác để có phép so sánh… “Từ các yếu tố trên kết hợp với đối chiếu thực tế quản lý địa phương, số liệu của cơ quan thống kê, ngành Thuế tổng hợp báo cáo, họp đánh giá chuyên đề, đưa ra giải pháp để quản lý đồng bộ HKDCN; thúc đẩy các hộ kinh doanh quy mô lớn chuyển đổi thành DN. Chậm nhất tới ngày 30.7.2020, Cục Thuế tỉnh họp đánh giá toàn diện, đưa ra phương án, giải pháp cụ thể trong công tác quản lý HKDCN thời gian tới trên địa bàn tỉnh”, ông Nguyễn Đẩu cho biết.
THU DỊU