Nâng cao chất lượng công tác dân chủ, pháp luật
Là nội dung quan trọng, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng Ðảng, chính quyền, công tác dân chủ, pháp luật của MTTQ cần được tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả, phát huy hết vai trò, trách nhiệm.
Tuyên truyền pháp luật, giám sát và phản biện xã hội
Nửa đầu năm 2020, MTTQ các cấp trong tỉnh đã tổ chức trên 500 cuộc tuyên truyền, vận động chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư với gần 20.300 người tham dự. MTTQ các địa phương phối hợp với Đoàn ĐBQH tỉnh, HĐND các cấp tổ chức tốt 1.123 điểm tiếp xúc giữa ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp với cử tri. Qua các buổi tiếp xúc, cử tri đã phản ánh, kiến nghị nhiều vấn đề trên các lĩnh vực. Những vấn đề này được Đoàn ĐBQH tỉnh, đại biểu HĐND các cấp giải trình, tiếp thu, ghi nhận, phản ánh đến các cơ quan chức năng, HĐND các cấp xem xét giải quyết.
Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Nguyễn Văn Cừ (TP Quy Nhơn) báo cáo về công tác giám sát chi trả hỗ trợ cho người ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 cho đoàn giám sát do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh làm Trưởng đoàn.
Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện, xã đã tổ chức đối thoại giữa nhân dân với Đảng, chính quyền. Nội dung các cuộc đối thoại gắn liền với những vấn đề nóng, đang được nhân dân quan tâm. 6 tháng đầu năm, MTTQ huyện Phù Cát đã tổ chức 2 cuộc đối thoại tại xã Cát Chánh liên quan đến vấn đề lấn chiếm đất đai; MTTQ cấp xã của huyện Phù Cát tổ chức 5 cuộc đối thoại tại xã Cát Nhơn, Cát Sơn, thị trấn Ngô Mây liên quan đến các vấn đề giải phóng mặt bằng, vệ sinh môi trường, lấn chiếm đất đai, rác thải, quy hoạch bãi rác ở khu dân cư...
Bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Phù Mỹ, cho biết: “Trên địa bàn huyện, tình trạng lấn chiếm đất đai, xây nhà trái phép đang xảy ra tại xã Mỹ Đức. Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Mỹ Đức đã tổ chức đối thoại về vấn đề này. Ủy ban MTTQ huyện đã tham mưu Huyện ủy lập tổ công tác để thực hiện tuyên truyền, vận động nhân dân trong vòng 15 ngày. Trong tháng 7, MTTQ huyện tiếp tục tổ chức đối thoại với nhân dân tại trụ sở xã Mỹ Đức”.
Liên quan đến công tác giám sát hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, MTTQ tỉnh đã thành lập 2 đoàn kiểm tra, đánh giá hiệu quả về công tác giám sát của MTTQ cấp huyện, cấp xã đối với việc thực hiện các chính sách này tại 11 huyện, thị xã, thành phố. MTTQ cơ sở chủ trì, thành lập 73 đoàn giám sát; qua đó, đã kịp thời phát hiện, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác giám sát, góp phần hỗ trợ đúng đối tượng, công bằng, chính xác và kịp thời.
Thực hiện Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, ban thanh tra nhân dân ở các địa phương trong tỉnh đã tổ chức giám sát 100 vụ việc, kiến nghị 58 vụ việc, đến nay đã được giải quyết 49 vụ việc; ban giám sát đầu tư cộng đồng đã giám sát 236 công trình được xây dựng ở địa phương.
Còn nhiều lúng túng
Thực tế cho thấy, càng về cấp cơ sở, công tác dân chủ, pháp luật gặp nhiều lúng túng. Đó là sự lúng túng trong việc chọn nội dung đưa ra lấy ý kiến nhân dân trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định; trong lựa chọn nội dung, hình thức giám sát. Điều này có một phần nguyên nhân từ năng lực, trình độ của một bộ phận cán bộ Mặt trận cấp xã còn hạn chế, lực lượng cán bộ Mặt trận chưa tương xứng với thực tế. Mặt khác, một số cấp ủy, chính quyền chưa xác định được việc thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn là nhiệm vụ trọng tâm trước mắt và lâu dài.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Thị Nại (TP Quy Nhơn), chia sẻ: “Thời gian qua, trong công tác dân chủ, pháp luật, MTTQ phường chủ yếu tham gia tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chính sách, pháp luật. Gần đây nhất là tham gia giám sát công tác chi trả hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Mặt trận cấp xã gặp lúng túng bởi còn thiếu những hướng dẫn cụ thể về công tác dân chủ, pháp luật. Kinh phí phân bổ hằng năm còn ít. Mặt khác, cần có sự đầu tư, tập huấn cho cán bộ Mặt trận cơ sở nhiều hơn nữa, bởi muốn phản biện, giám sát cần có sự hiểu biết sâu về nhiều lĩnh vực”.
Ngày 10.7, Hội nghị tập huấn trực tuyến toàn quốc chuyên đề công tác dân chủ, pháp luật năm 2020 do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức đã xác định 8 nhiệm vụ trọng tâm của công tác dân chủ, pháp luật. Đó là: Tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tiếp tục tham gia xây dựng chính sách; nâng cao chất lượng giám sát và phản biện xã hội; thực hiện dân chủ ở cơ sở; tổ chức thành công các cuộc tiếp xúc cử tri, tổng hợp kiến nghị của cử tri; tiếp công dân, tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo, tham gia hoạt động hòa giải cơ sở; tham gia công tác bầu cử; tham gia phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, nhấn mạnh bài học kinh nghiệm để thực hiện tốt công tác dân chủ, pháp luật: “Sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên của cấp ủy, sự phối hợp trách nhiệm của chính quyền, sự thống nhất của các đoàn thể chính trị, tổ chức thành viên rất quan trọng. Kết hợp chặt chẽ giữa nắm bắt dư luận xã hội với giám sát, phản biện. Đồng thời, giải bài toán giữa đầu việc nhiều, đòi hỏi ngày càng cao với người ít, trình độ có hạn bằng cách: làm việc có trọng tâm, bám sát mục đích, nguyên tắc, yêu cầu của từng nội dung công tác...”.
Phát biểu sau hội nghị tập huấn, ông Nguyễn Xuân Vĩnh, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, cho biết, dự kiến, trong tháng 8 tới, MTTQ Việt Nam tỉnh sẽ có chương trình tập huấn về nội dung này. Đây cũng sẽ là dịp để các địa phương tiếp tục trao đổi về những vướng mắc, chia sẻ những kinh nghiệm.
NGUYỄN MUỘI