Xử trí một số bệnh thường gặp ở trẻ em
Bác sĩ Phạm Văn Dũng, Trưởng khoa Nhi (BVĐK tỉnh) cho biết cách chăm sóc trẻ khi mắc một số bệnh thường gặp:
Khi trẻ bị tiêu chảy: Cần cho uống thêm các loại nước uống có sẵn trong nhà hoặc dung dịch bù nước và điện giải - oresol; không nên cho uống các loại nước có ga. Tiếp tục cho trẻ ăn bình thường bằng các thức ăn giàu chất dinh dưỡng và mềm (nếu trẻ đang bú mẹ thì tăng số lần cho bú). Sau khi khỏi, cần cho trẻ ăn thêm mỗi ngày một bữa trong 2 tuần để phòng suy dinh dưỡng; cho uống viên kẽm 20 mg, 1 viên/ngày (trẻ dưới 6 tháng: uống 1/2 viên/ngày) trong 10 - 14 ngày. Đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay nếu có một trong các dấu hiệu: Rất khát, mệt, li bì, không bú được hoặc bỏ bú, nôn nhiều, tiêu chảy nhiều hơn, sốt cao, có máu trong phân, co giật.
Khi trẻ có các dấu hiệu của nhiễm khuẩn hô hấp như ho, sốt, chảy nước mũi: Cho uống nhiều nước, ăn thức ăn dễ tiêu, giàu chất dinh dưỡng. Làm sạch mũi trước khi cho trẻ ăn. Nếu sốt, sốt cao, cần cởi bớt quần áo, để trẻ nơi thoáng mát; sốt cao từ 38,50C trở lên thì hạ sốt bằng thuốc viên paracetamol, liều dùng 10 mg/kg/lần, cho uống lại sau 4 - 6 giờ nếu trẻ còn sốt, không dùng quá 4 lần trong ngày. Đưa ngay đến cơ sở y tế khi trẻ bú hay ăn kém, ngủ li bì khó đánh thức, ho nhiều, sốt cao, thở nhanh hoặc khó thở, thở bất thường.
Khi trẻ bị sốt cao co giật: Cần cởi bớt quần áo, tã lót, để trẻ nơi thoáng mát; lau người trẻ bằng khăn ấm. Cho trẻ uống thêm nước, nước hoa quả, sữa…; ăn nhiều hơn thức ăn giàu dinh dưỡng, mềm, lỏng, chia thành nhiều bữa nhỏ. Những trẻ còn bú mẹ cần cho bú nhiều hơn. Để trẻ nằm yên tĩnh, đầu hơi nghiêng về một bên đề phòng khi trẻ bị nôn sẽ có nguy cơ dịch tràn vào đường thở. Khi trẻ đang co giật, không dùng thuốc bằng đường uống vì có nguy cơ bị sặc. Cần dùng thuốc hạ nhiệt đặt hậu môn và đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay.
MINH PHƯỢNG (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)