Rừng Thượng Sơn bị tàn phá
Theo phản ảnh của người dân thôn Thượng Sơn, xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn, thời gian qua, trên địa bàn xảy ra tình trạng xâm lấn, chặt phá rừng tự nhiên để trồng cây lâm nghiệp.
Trong nhiều tháng qua, những khoảnh rừng tự nhiên ở Tiểu khu 235 tại khu vực Đồng Hào, thuộc thôn Thượng Sơn, xã Tây Thuận, giáp ranh với huyện Vĩnh Thạnh và xã Cửu An (TX An Khê, tỉnh Gia Lai) bị chặt phá không thương tiếc.
Nhiều khoảnh rừng bị chặt phá
Địa điểm cánh rừng tự nhiên bị phá tại Tiểu khu 235 cách QL 19 khoảng 10 km, nằm lọt thỏm giữa nhiều dãy núi cao, nhìn bằng mắt thường từ xa không thể nào phát hiện được. Theo ghi nhận của phóng viên Báo Bình Định tại hiện trường, diện tích rừng tự nhiên bị chặt phá khoảng 1,5 - 2 ha. Tại đây, hàng chục cây gỗ lớn đường kính 80 - 100 cm bị cưa sát gốc. Nhiều cây gỗ tạp khác ít giá trị thì bị đốn hạ, đốt cháy trơ gốc ngổn ngang khắp sườn núi.
Một cây gỗ lớn mới bị cưa và còn dấu vết mùn cưa rất mới.
Chúng tôi đi theo đường mòn có sẵn hướng lên đỉnh núi theo tiếng cưa máy gầm rú. Thấy động, những đối tượng phá rừng mang theo cưa máy tới những khu vực khác và bỏ lại nhiều đồ dùng khác như: Dao, rựa, can lớn đựng nước, dầu nhớt, võng, bạt... quanh các lối mòn.
Tiến sâu hơn vào những cánh rừng tự nhiên khác, chúng tôi ghi nhận diện tích rừng bị chặt phá lên gần chục hec ta. Trong đó có hàng chục loại cây gỗ quý thuộc nhóm I, II, III, IV vừa mới bị cưa hạ, trên thân còn đọng lại vệt mủ, dưới đất là dấu mùn cưa. Đồng thời, những đám cây bụi, gỗ tạp thì bị chặt thành đống và chất hai bên lối mòn. Những khoảnh rừng khác cách đó vài chục mét cũng đã được đốt phát quang, dọn thực bì sạch sẽ. Từ đó, có thể thấy tình trạng phá rừng đã diễn ra trong một thời gian dài.
Nhìn từ dưới chân núi lên, một khoảnh rừng bị chặt, đốt phá nham nhở.
Ông N.T.D, ở thôn Thượng Sơn, tiết lộ: “Cả khoảnh rừng có diện tích rất lớn, khoảng 2 - 3 tháng nay, họ đã đốt, phá ở nhiều địa điểm khác nhau. Khoảng tháng 8 tới, những cánh rừng này sẽ được đốt, dọn dẹp sạch sẽ và trồng cây keo lai, bạch đàn”.
Một người dân khác (đề nghị không nêu tên) ở xã Tây Thuận, bức xúc: “Thời gian gần đây, xuất hiện nhiều đối tượng là người ở trong và ngoài địa phương vào đây mở đường, chặt cây, xâm lấn rừng để lấy đất trồng keo lai, bạch đàn. Họ chặt phá cả chục hec ta rừng trong nhiều tháng, vậy mà không thấy lực lượng chức năng nào kiểm tra, truy quét, xử lý!”.
Cơ quan chức năng nói gì?
Sau khi tiếp nhận những thông tin và hình ảnh do phóng viên cung cấp về hiện trường vụ phá rừng tại Tiểu khu 235, ông Lý Phùng Lê, Giám đốc Ban Quản lý Rừng phòng hộ Tây Sơn, cho biết: “Tiểu khu 235, khu vực rừng Đồng Hào là rừng có chức năng phòng hộ và sản xuất. Tuy nhiên, tại tiểu khu này có những cánh rừng tự nhiên và không thuộc sự quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Tây Sơn, mà do Hạt Kiểm lâm huyện và UBND xã Tây Thuận trực tiếp quản lý. Nhưng cho dù đó là rừng sản xuất cũng không được phá, nếu phá với quy mô lớn như thế này thì hoàn toàn sai và có thể bị truy tố trước pháp luật”.
Về vấn đề này, ông Huỳnh Ngọc Bảo, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, cho biết: “Trong thời gian sớm nhất, Chi cục Kiểm lâm tỉnh sẽ chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện Tây Sơn phải về ngay địa bàn khu vực rừng Đồng Hào để nắm tình hình, kiểm tra và ghi nhận thực tế về tình hình phá rừng mà phóng viên phản ảnh. Khi xác minh được các đối tượng hủy hoại rừng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh sẽ phối hợp với cơ quan chức năng của địa phương tiến hành điều tra và xử lý đối tượng theo quy định của pháp luật”.
D. ĐĂNG