Hiệp định Geneva 1954 - Thắng lợi và bài học lịch sử
Năm 1954, cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia giành thắng lợi to lớn, đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ (tháng 5.1954), buộc chính phủ thực dân Pháp phải ký kết Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương, cam kết rút quân về nước.
Hội nghị Geneva về Đông Dương tại Thụy Sĩ (năm 1954). (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Nhân kỷ niệm 66 năm Ngày ký kết Hiệp định Geneva (21.7.1954 – 21.7.2020), BDO trân trọng giới thiệu bài viết “Hiệp định Geneva 1954 - Thắng lợi và bài học lịch sử” của Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Đình Lê (Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội).
Cuộc đấu tranh căng thẳng, quyết liệt
Vào đầu năm 1954, cuộc chiến tranh xâm lược của Pháp tại Đông Dương đã kéo dài 8 năm, tuy “hao người tốn của” và được Mỹ giúp sức nhưng vẫn chưa đạt được mục đích cơ bản đề ra, trái lại còn phải chịu những thất bại nặng nề.
Ở trong nước, những khó khăn về kinh tế, tài chính ngày càng trầm trọng, phong trào phản đối chiến tranh xâm lược Đông Dương từ các tầng lớp nhân dân dâng cao...
Tình thế đó buộc Chính phủ Pháp muốn tìm kiếm một giải pháp danh dự thông qua đàm phán thương lượng.
Tháng 1.1954, ngoại trưởng bốn nước gồm Liên Xô, Mỹ, Anh, Pháp đã họp tại Berlin (Đức) thống nhất sẽ triệu tập một hội nghị quốc tế ở Geneva (Thụy Sĩ) để giải quyết hai vấn đề: chiến tranh tại Triều Tiên và lập lại hòa bình ở Đông Dương.
Ngày 26.4.1954, khi Quân đội nhân dân Việt Nam chuẩn bị tấn công đợt ba để quyết định số phận quân viễn chinh Pháp ở Điện Biên Phủ, Hội nghị Geneva bắt đầu khai mạc.
Thời gian đầu, Hội nghị tập trung bàn về vấn đề chiến tranh Triều Tiên, chưa bàn về vấn đề Đông Dương.
Ngày 7.5.1954, tin thất bại hoàn toàn của quân Pháp ở Điện Biên Phủ gây “chấn động địa cầu,” xôn xao dư luận quốc tế.
Sáng 8.5.1954, vấn đề Đông Dương chính thức được đưa lên bàn nghị sự.
Tham dự Hội nghị lúc này bao gồm đại diện chín bên: Liên Xô, Trung Quốc, Anh, Pháp, Mỹ, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Quốc gia Việt Nam (chính phủ Bảo Đại), Vương quốc Lào, Vương quốc Campuchia.
Đại diện lực lượng kháng chiến Pathet Lào và Khmer Itsarak (Campuchia) đã có mặt ở Geneva, nhưng không được các nước phương Tây chấp thuận tham dự đàm phán.
Ngoại trưởng Anh (Eden) và Ngoại trưởng Liên Xô (Molotov) giữ vai trò đồng Chủ tịch điều hành Hội nghị.
Phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do ông Phạm Văn Đồng làm Trưởng đoàn bước vào bàn Hội nghị với thế đại biểu cho một dân tộc chiến thắng.
Cuộc đấu tranh trên bàn đàm phán diễn ra rất căng thẳng, quyết liệt bởi tính chất thành phần, mục tiêu mỗi bên tham dự.
Pháp tuy là nước bại trận, nhưng đã lợi dụng sự ủng hộ của Mỹ, Anh để đưa được đại biểu ba “quốc gia liên kết” (Quốc gia Việt Nam, Vương quốc Lào, Vương quốc Campuchia) thuộc phe Pháp tham dự Hội nghị để gạt các lực lượng kháng chiến yêu nước Lào và Campuchia hòng giành lợi thế.
Liên Xô, Trung Quốc là hai nước lớn xã hội chủ nghĩa có vị trí, vai trò quan trọng, nhưng lúc này vì lợi ích dân tộc nên lựa chọn xu thế “cùng tồn tại hòa bình,” có sự thỏa hiệp với Mỹ, Anh, Pháp và cũng muốn Việt Nam nhượng bộ để sớm đi đến một giải pháp hòa bình.
Giữa lúc đó, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chỉ là một trong chín thành viên tham dự, là bên duy nhất trong ba phong trào kháng chiến ở Đông Dương.
Quá trình Hội nghị, phái đoàn ta kiên quyết phản bác, đấu tranh chống lại âm mưu phá hoại của đế quốc Pháp-Mỹ cùng các thế lực phản động quốc tế; nêu rõ lập trường cơ bản là đình chỉ chiến sự trên toàn bán đảo Đông Dương đi đôi với một giải pháp chính trị cho vấn đề Việt Nam, vấn đề Lào và vấn đề Campuchia, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ mỗi nước ở Đông Dương...
Những đề nghị hợp tình, hợp lý của Đoàn đại biểu Việt Nam đã được dư luận tiến bộ ở chính nước Pháp và trên thế giới đồng tình ủng hộ.
Ngày 20.7.1954, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu thay mặt Chính phủ và Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam ký Hiệp định đình chiến ở Việt Nam. Ngay sau đó, Hiệp định đình chiến ở Lào và Campuchia cũng được ký kết, tại Hội nghị Geneva (Thụy Sĩ). (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Trải qua hơn hai tháng đàm phán, thương lượng với tổng số 8 phiên họp toàn thể và 23 phiên họp hẹp, ngày 21.7.1954, Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết, bao gồm ba Hiệp định đình chỉ chiến sự ở ba nước (Việt Nam, Lào, Campuchia) và Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị.
Các văn kiện trên tạo thành khung pháp lý Hiệp định Geneva năm 1954 về Đông Dương.
Thắng lợi và bài học lịch sử
Hiệp định Geneva bao gồm những thỏa thuận chung cho cả ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia. Theo đó, các nước tham dự Hội nghị cam kết tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản là độc lập, thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhân dân ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia; không can thiệp vào công việc nội bộ ba nước đó; đình chỉ chiến sự trên toàn cõi Đông Dương.
Chính phủ Pháp cam kết rút hết quân viễn chinh về nước; cấm việc đưa quân đội, nhân viên quân sự, vũ khí nước ngoài vào ba nước Đông Dương.
Các nước Đông Dương không được cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự bên trong lãnh thổ của mình; không được tham gia các khối liên minh quân sự. Các bên không trả thù những người hợp tác với đối phương. Trao trả tù binh, những người bị giam giữ.
Trách nhiệm thi hành Hiệp định Geneva thuộc về những người ký kết Hiệp định và những người kế tiếp nhiệm vụ của họ. Ngoài ra, đối với từng nước còn có những thỏa thuận riêng.
Ở Việt Nam, hai bên cùng thực hiện ngừng bắn, tập kết, chuyển quân, chuyển giao khu vực; lấy vĩ tuyến 17 (dọc sông Bến Hải) làm giới tuyến quân sự tạm thời cùng với một khu phi quân sự ở hai bên giới tuyến.
“Giới tuyến quân sự chỉ có tính chất tạm thời, hoàn toàn không thể coi là ranh giới về chính trị và lãnh thổ” (Bản Tuyên bố cuối cùng). Việc chuyển quân, rút quân chậm nhất là 300 ngày.
Việt Nam sẽ thực hiện thống nhất đất nước bằng cuộc tổng tuyển cử tự do trong cả nước, tổ chức vào tháng 7.1956 có sự giám sát của Ủy ban quốc tế (gồm Ấn Độ, Ba Lan, Canada, do Ấn Độ làm Chủ tịch).
Đối với Lào, lực lượng kháng chiến (Pathet Lào) rút về tập kết tại hai tỉnh Sam Nuea (Sầm Nưa) và Phongsaly (Phongxaly). Thời hạn rút quân, chuyển quân trong vòng 120 ngày.
Riêng ở Campuchia, lực lượng kháng chiến (Khmer Itsarak) không có vùng giải phóng, nên phải giải giáp tại chỗ với thời hạn 30 ngày, được bảo đảm các quyền công dân Vương quốc Campuchia.
Như vậy, dù còn có những hạn chế (Việt Nam mới giải phóng được một nửa nước từ vĩ tuyến 17 ra Bắc; Lào chỉ có hai tỉnh Sam Nuea và Phongsaly, lượng lượng kháng chiến Campuchia phải giải giáp), nhưng Hiệp định Geneva là một thắng lợi lớn của nhân dân Việt Nam, đồng thời cũng là thắng lợi của cách mạng Lào, Campuchia và phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới, thể hiện rõ nét nhất trên một số vấn đề cơ bản.
Một là, Hiệp định Geneva 1954 chính thức chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp có đế quốc Mỹ giúp sức, buộc Pháp phải rút quân về nước. Qua đó khẳng định thắng lợi chính nghĩa của nhân dân ba nước Đông Dương, cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên thế giới.
Hai là, lần đầu tiên trong lịch sử, các nước lớn tham dự hội nghị đã cam kết tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản là độc lập, thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia. Đây là cơ sở pháp lý quốc tế để nhân dân ba nước đấu tranh chống lại mọi hành động xâm lược của chủ nghĩa thực dân, đế quốc thời gian tiếp theo.
Ba là, miền Bắc Việt Nam được hoàn toàn giải phóng, có hòa bình, từng bước xây dựng chủ nghĩa xã hội, trở thành hậu phương, căn cứ địa vững chắc của tiền tuyến lớn miền Nam và cả cách mạng Lào, Campuchia trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975).
Khẳng định lại thắng lợi to lớn của Hiệp định Geneva 1954, Báo cáo Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng do đồng chí Lê Duẩn trình bày tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III đã nêu rõ: “Việc lập lại hòa bình ở Đông Dương, hoàn toàn giải phóng miền Bắc Việt Nam, và đặt cơ sở pháp lý cho việc thống nhất nước Việt Nam là một thắng lợi to lớn của nhân dân ta, đồng thời cũng là một thắng lợi của các lực lượng xã hội chủ nghĩa, hòa bình và dân chủ trên thế giới. Nó phản ánh tình hình lực lượng so sánh ở Đông Dương và trên thế giới lúc bấy giờ.”
Quá trình đàm phán, đi đến ký kết Hiệp định Geneva 1954 đã để lại cho cách mạng Việt Nam nhiều bài học lịch sử rất quý báu: nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ trong quá trình đàm phán, kiên trì mục tiêu chiến lược, biết nhân nhượng có nguyên tắc để bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc; đánh giá chính xác tình hình thế giới, khu vực nhất là chiến lược của các nước lớn, từ đó tìm ra đối sách phù hợp từng thời gian, cho từng vấn đề liên quan nhằm hạn chế tác động tiêu cực từ thỏa hiệp giữa các nước lớn; kết hợp chặt chẽ đấu tranh quân sự, đấu tranh chính trị, đấu tranh ngoại giao, phát huy phát huy nội lực, lấy đó làm cơ sở vững chắc cho hoạt động ngoại giao; nêu cao tinh thần đoàn kết quốc tế trong sáng, tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế đối với hoạt động đối ngoại.
Những bài học ấy đã được Đảng ta chắt lọc, vận dụng sáng tạo vào đấu tranh ngoại giao thời gian sau, trực tiếp nhất là trong Hội nghị Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (1968-1973).
Theo (TTXVN/Vietnam+)