Tăng cường tiếng Việt ở huyện An Lão: Tạo thuận lợi cho trẻ phát triển
Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Ðề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2025”, huyện An Lão tích cực triển khai ngay nhiều biện pháp. Ðến nay, ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện An Lão, đa số phụ huynh đều phấn khởi cho biết, chẳng những trẻ nói chuyện rõ ràng, lanh lợi mà còn giảm suy dinh dưỡng, viết chữ đẹp hơn.
Bán trú giúp cô trò trò chuyện bằng tiếng Việt nhiều hơn.
- Trong ảnh: Lớp bán trú ở điểm trường thôn 3, xã An Vinh (huyện An Lão).
Lồng ghép với thực hiện bán trú
Triển khai dạy bán trú là biện pháp đầu tiên để tăng cường tiếng Việt mà An Lão thực hiện. Không chỉ có vậy, trẻ học bán trú sẽ chăm sóc, nuôi dạy tốt hơn. Từ một vài hạt nhân ban đầu thành công, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm, trẻ cũng mạnh dạn tự tin, phụ huynh tin tưởng, An Lão mạnh dạn triển khai rộng cách làm này.
“Cùng với tiếng mẹ đẻ, việc thành thạo tiếng Việt ngay từ đầu sẽ giúp quá trình học tập của các cháu ở bậc phổ thông thuận lợi hơn. Các trường vận động phụ huynh và phối hợp với Ðoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ của xã xây dựng khu vận động cho trẻ vui chơi, đóng góp một số đồ dùng, vật dụng, trang phục truyền thống có gắn tên tiếng Việt, tạo môi trường tiếng Việt và tạo cơ hội cho trẻ nói tiếng Việt. Khi biết những việc làm phối hợp như vậy, cá nhân tôi rất vui”.
Ông LÊ VĂN THANH, Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão
Chị Lỡ Thị Thúy Lan, chuyên viên phụ trách mầm non (Phòng GD&ĐT An Lão), chia sẻ: Tổ chức dạy bán trú không khó, thậm chí khi mình giải thích đầy đủ, rõ ràng về những lợi ích của con em họ và gia đình họ nhận được, phụ huynh còn rất ủng hộ. Xây dựng bán trú thành công, cả ngày trẻ ở với cô, trong và ngoài giờ học, cô và trẻ trò chuyện với nhau bằng tiếng Việt. Dần dà trẻ sẽ quen. Đến nay có 7/10 xã, thị trấn thực hiện bán trú cho trẻ. Những xã còn lại phụ huynh cũng rất thích con được học bán trú nhưng điểm trường xa, khó khăn nên chưa thực hiện được.
Cô Văn Thị Thủy, Hiệu trưởng Trường mẫu giáo An Trung, cho biết: “Khi dạy bán trú, chúng tôi xây dựng môi trường tiếng Việt từ sân trường cho đến lớp học. Không chỉ có các cô chuẩn bị mà cả phụ huynh và đặc biệt là các bạn bên Xã đoàn cũng góp sức vào. Cho nên không chỉ trong giờ học mà giờ vui chơi, khi tung tăng trên sân chơi các cháu cũng được tăng cường tiếng Việt bằng cách giao tiếp với nhau, gọi tên các sự vật xung quanh.
Những năm học gần đây, Phòng GD&ĐT chỉ đạo và hướng dẫn nhà trường phối hợp tốt Ban đại diện cha mẹ học sinh vận động phụ huynh đóng góp ngày công lao động để làm nhà bếp ngay tại một số điểm lẻ vùng cao để phục vụ cho việc tổ chức ăn bán trú của trẻ. Bên cạnh đó, Phòng GD&ĐT chỉ đạo cho các đơn vị trường thực hiện tốt việc trang trí lớp và tạo môi trường cho học sinh học tập và hoạt động.
100% trẻ ra lớp được tăng cường tiếng Việt
Đến nay, toàn huyện có 7/10 trường mầm non, mẫu giáo công lập thực hiện Đề án với 36 nhóm lớp, trong đó có 22 lớp bán trú, tăng 12 lớp so với năm 2016. Tỷ lệ trẻ mẫu giáo người dân tộc thiểu số ra lớp 98%, riêng trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 100% đạt với mục tiêu Đề án. 100% trẻ ra lớp đều được tăng cường tiếng Việt phù hợp với khả năng và độ tuổi đạt mục tiêu của Đề án đưa ra.
Đối với cấp tiểu học, có 8/10 trường thực hiện Đề án với 82 lớp/1.344 học sinh. Có 141 giáo viên đang dạy các lớp có học sinh người dân tộc thiểu số, đảm bảo đủ số lượng giáo viên trên lớp. Trong đó, 100% cán bộ quản lý và giáo viên có trình độ chuẩn và trên chuẩn, đáp ứng đầy đủ yêu cầu giảng dạy và thực hiện đảm bảo đạt mục tiêu Đề án. Hằng năm, các trường chú trọng đổi mới phương pháp dạy học theo hướng lồng ghép, tích hợp, vận dụng linh hoạt các phương pháp tăng cường tiếng Việt cho học sinh người dân tộc thiểu số.
Việc tăng cường tiếng Việt không thể có nhiều kết quả tích cực nếu thiếu sự quan tâm của huyện. An Lão là huyện đầu tiên hỗ trợ 63 triệu đồng để mua sách và một số tài liệu, tranh ảnh phục vụ cho việc thực hiện Đề án. Nhờ có tài liệu nên giáo viên dễ dàng định hướng được chương trình giảng dạy lồng ghép, tích hợp tăng cường tiếng Việt vào các hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ đạt hiệu quả cao.
Chị Lỡ Thị Thúy Lan cho biết thêm, từ cấp trường đến cấp huyện thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa cho trẻ như: Ngày hội bé đến trường, tết Trung thu, Ngày Quốc tế thiếu nhi, ngày hội bánh tết. Đồng thời tổ chức tốt các hội thi như: Hội thi bé vui khỏe, Hội thi bé yêu tiếng Việt, Hội thi Giao lưu tiếng Việt, vở sạch, chữ đẹp, đố vui để học. Các hội thi đã nhằm thu hút sự quan tâm của phụ huynh đến việc học của con em ở trường. Cũng từ đó, các trường tuyên truyền đến các bậc phụ huynh những kiến thức và hiểu biết về chương trình giáo dục nói chung và lợi ích của việc trẻ biết nói tiếng Việt. Thời gian tới, ngoài tiếp tục xây dựng các hoạt động tăng cường tiếng Việt, ngành GD&ĐT An Lão sẽ nỗ lực chuyển đổi loại hình từ trường mẫu giáo sang trường mầm non ở một số xã tập trung đông dân cư.
THẢO KHUY - DIỆP THỊ DIỆU