Tuy Phước: Tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới
Ông Phan Văn Khiêm, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tuy Phước, cho biết: Thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp nâng cao giá trị gia tăng gắn với xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, Phòng đã tham mưu cho UBND huyện triển khai các chính sách của Nhà nước về hỗ trợ tín dụng, đào tạo nghề và vận động nông dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để họ thấy được vai trò chủ thể của mình trong việc xây dựng nông thôn mới. Qua đó, đã có nhiều mô hình về cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả, như: Mô hình trồng rau an toàn; liên kết sản xuất lúa giống. Bước đầu đã hình thành các chuỗi liên kết sản xuất lúa giống với các công ty. Hằng năm, các công ty đã thu mua khoảng 5.000 tấn lúa giống và lợi nhuận tăng thêm cho người nông dân hơn 9 tỷ đồng.
Các đại biểu tham quan mô hình sản xuất thử giống lúa thuần VNR88 chất lượng cao trên diện tích 20 ha ở thôn Đại Tín, xã Phước Lộc (huyện Tuy Phước).
Với hướng đi đúng, sự đầu tư hỗ trợ kịp thời từ các chương trình, dự án của Nhà nước, đến nay về cây lúa: Diện tích gieo trồng hằng năm đạt 14.946 ha, năng suất lúa bình quân đạt 70,1 tạ/ ha, tăng 2,03% so với năm 2015; sản lượng thóc đạt 104.771 tấn, tăng 2,9% so với năm 2015. Bên cạnh đó, triển khai và thực hiện có hiệu quả mô hình cánh đồng mẫu lớn với diện tích 2.400 ha/năm và triển khai thực hiện thành công cánh đồng lớn tập trung ở 4 xã (Phước Hưng, Phước Quang, Phước Lộc và Phước Sơn), với diện tích 840 ha/năm. Diện tích sử dụng giống lúa nguyên chủng, giống xác nhận và lúa lai đạt tỷ lệ trên 99%.
Lĩnh vực thủy sản cũng có bước phát triển khá, ước sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản đến năm 2020 đạt 6.190 tấn, tăng 0,92% so với năm 2015. Đã tập trung chỉ đạo phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững, đa dạng các phương thức nuôi gắn với bảo vệ môi trường, ổn định diện tích nuôi bán thâm canh. Thực hiện 3 mô hình nuôi thủy sản theo hướng an toàn sinh học, đạt hiệu quả kinh tế. Mô hình nuôi tôm sú kết hợp với cá chua quy mô 19,5 ha/15 hộ ở Phước Sơn; nuôi tôm thẻ chân trắng kết hợp cá rô phi quy mô 23,5 ha/40 hộ ở Phước Thắng và nuôi cua xanh thương phẩm quy mô 0,5 ha/1 hộ ở xã Phước Thuận.
Tái cơ cấu nông nghiệp đạt hiệu quả cao đã tham gia tạo tiền đề nền tảng để huyện Tuy Phước phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Theo đó, tổng lượng vốn huy động xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 là hơn 1.200 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ gần 32,7 tỷ đồng, của tỉnh hơn 136,7 tỷ đồng; huyện gần 167,7 tỷ đồng, các xã hơn 345,6 tỷ đồng, còn lại là từ các nguồn tín dụng khác. Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới thực sự làm thay đổi sản xuất và diện mạo nông thôn Tuy Phước, qua đó thu nhập bình quân đầu người đạt 47,2 triệu đồng/năm và tỷ lệ hộ nghèo của huyện ở năm 2020 giảm còn 2,5% (theo chuẩn nghèo đa chiều áp dụng giai đoạn 2016 - 2020).
XUÂN VINH