Thu hút học sinh
Hôm rồi, tổng chủ biên, chủ biên của NXB ĐH Sư phạm và NXB ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh tổ chức tập huấn bộ sách Cánh Diều cho hơn 800 cán bộ quản lý các trường tiểu học, phòng GD&ĐT các địa phương, giáo viên dạy lớp 1.
Dù lượng người dự rất lớn, nhưng hội trường vô cùng trật tự. Khi người phụ trách bắt đầu trình bày về môn Tiếng Việt, cả hội trường im bặt chăm chú lắng nghe vì bài giảng và cách trình bày quá hay, quá cuốn hút. Hỏi nhỏ một giáo viên thì cô thì thầm cho biết, đó là một người nổi tiếng giỏi chuyên môn, được trực tiếp nghe vị này giảng là một may mắn.
Tôi chợt nhớ, dạy học cũng vậy. Để học sinh yên lặng lắng nghe không phải cứ quát nạt, ép buộc là được mà là chính sự thú vị của bài giảng và cách trình bày của giáo viên phải thật sự cuốn hút. Chợt nhớ là bởi cách đây ít lâu, một em học sinh nọ kể với tôi về tiết Toán của mình. Thầy của em rất ghét tiếng ồn, bạn nào lỡ xoay qua xoay lại là hứng luôn cơn thịnh nộ của thầy chứ đừng nói chi đến nói chuyện riêng. Sợ đến nỗi cả lớp không dám phát ra tiếng động nào khác ngoài tiếng giảng bài, tiếng phấn và thước trên bục giảng. Những giờ Toán của thầy luôn yên tĩnh như ý thầy muốn, “nhưng tụi em rất ức chế và sợ hãi, chỉ mong tiết học qua mau”.
Có một điều rất cũ mà có lẽ bất cứ ai từng đi học đều biết, để khởi động một cuộc kết nối tri thức, người dạy phải đưa người học vào trạng thái hưng phấn, háo hức với kiến thức chuẩn bị được tiếp cận. Sự hưng phấn ấy được duy trì liên tục không chỉ trong mấy chục phút của tiết học, mà còn nối dài khi người học ôn lại kiến thức vừa tiếp nhận, thực hành, làm bài tập để biến kiến thức ấy trở thành tri thức của chính mình. Để tạo sự chú ý với học sinh, không chỉ bài giảng sinh động, cách truyền đạt hấp dẫn mà vẻ mặt, trang phục của người giảng cũng phải chỉnh tề, đẹp đẽ. Vậy mới nói, dạy học không chỉ là hoạt động trao truyền kiến thức mà là cả một nghệ thuật.
THẢO YÊN