Trường phổ thông dân tộc nội trú THPT Bình Ðịnh: Một gia đình, một mái ấm
Dù chất lượng của học sinh đầu vào không cao nhưng bằng tình yêu thương và nỗ lực, chất lượng dạy và học của Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT Bình Ðịnh ngày càng tốt thêm. Mới đây, trường trở thành trường phổ thông dân tộc nội trú đầu tiên của tỉnh được công nhận trường chuẩn quốc gia.
Nâng cao chất lượng dạy và học
Hằng năm nhà trường đón khoảng 370 học sinh là người dân tộc thiểu số, trong đó dân tộc Bana khoảng 50%, H’rê khoảng 30%, Chăm khoảng 18%, và 2% còn lại là các dân tộc khác. Học sinh của trường thuộc các huyện miền núi và trung du của tỉnh Bình Định, gồm: An Lão, Vân Canh, Vĩnh Thạnh, Hoài Ân và Tây Sơn. Năm học 2019 - 2020, trường có 11 lớp; trong đó khối 10 có 5 lớp, khối 11 có 3 lớp, khối 12 có 3 lớp. Vì đầu vào thấp và phần lớn các em nhút nhát, hơn nữa lại là trường nội trú nên giáo viên không chỉ dạy mà còn gần gũi, thân thiện để các em cảm nhận nơi đây chính là một gia đình, là một mái ấm, thầy thương yêu trò, anh chị vào trường trước đùm bọc các em vào sau.
Lớp ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2020.
Ngoài giờ học chính khóa trên lớp, các buổi chiều và buổi tối học sinh tự học tại ký túc xá. Nhà trường phân công nhân viên quản lý nội trú và giáo viên trực kiểm tra giờ tự học, những trường hợp vi phạm được lưu ý vào sổ trực để giáo viên chủ nhiệm nhắc nhở kịp thời. Đặc biệt, ở mùa thi tốt nghiệp THPT, ngoài giờ học ôn buổi sáng, buổi chiều, tối các em vẫn lên lớp để học bài, nhà trường phân công giáo viên giải đáp thắc mắc cho các em. Ngoài ra, các giáo viên còn tổ chức dạy kèm miễn phí để giúp học sinh nắm chắc kiến thức.
Em Đinh Thị Khiết, học sinh lớp 12, chia sẻ: “Ba mẹ em nói, đi học nội trú thì thầy cô chính là người thay mặt ba mẹ dạy dỗ, kèm cặp những điều hay lẽ phải trong đời. Vì vậy mỗi khi thầy cô nhắc nhở, em hiểu đó là vì thầy cô tận tình. Năm nay em học lớp 12, cả việc chọn trường, chọn ngành như thế nào cho phù hợp thầy cô cũng rất ân cần với từng bạn một”.
Ông Trần Xuân Bình, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT Bình Định, cho biết: Các em đi học xa nhà, nên giáo viên không chỉ dạy học mà còn là người trò chuyện, tư vấn cho những băn khoăn của các em. Tất cả chúng tôi cũng thường xuyên động viên, nhắc nhở nhau phải tận tình yêu thương các em. Dạy ở trường nội trú, yêu thương là điều cần phải quan tâm đầu tiên.
Giao lưu, giữ gìn bản sắc văn hóa
Nhà trường không chia lớp học, phòng ở theo huyện, theo dân tộc mà trộn chung. Lớp học được tổ chức theo quy định. Học sinh các lớp trong mỗi khối được chia đều theo học lực, giới tính, dân tộc để giúp đỡ nhau trong học tập và tạo tính đoàn kết giữa các dân tộc. Ký túc xá cũng vậy (hai khu nam và nữ riêng), mỗi phòng khoảng 8 học sinh.
Học sinh chơi thể thao ở nhà thi đấu đa năng.
Ông Trần Xuân Bình cho biết thêm: Ký túc xá không chia tách học sinh của các dân tộc mà cho các em ở chung theo tỷ lệ để các em biết được nét đẹp của văn hóa dân tộc bạn. Đặc biệt, trường có phòng truyền thống, các hiện vật do học sinh ủng hộ, có 2 bộ cồng chiêng của Tỉnh ủy tặng và nhà trường sưu tầm thêm một số hiện vật. Những dịp kỷ niệm lễ, Tết ở trường, cồng chiêng luôn là tiết mục đinh. Ngoài ra, sáng thứ Hai hằng tuần, các em đều mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình đến lớp. Bên cạnh đó, nhà trường đã tổ chức các hoạt động trải nghiệm với các hình thức phong phú phù hợp học sinh như: Diễn đàn, sân khấu hóa, thực hành lao động, hoạt động tình nguyện, văn nghệ, dân vũ, cồng chiêng...
Thỉnh thoảng Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT Bình Định còn tổ chức giải đấu thể thao để học sinh huyện này giao lưu với huyện kia. Điểm thuận lợi là trường có 1 sân bóng chuyền và nhà thi đấu đa năng bên trong có 3 sân cầu lông và nhiều trụ bóng rổ. Thầy Đinh Văn Trọng, giáo viên Thể dục của trường, cho biết: Sau những lần như vậy, các em thường hưng phấn, hào hứng và thêm tự tin hơn. Đây cũng là cơ sở để trường tham gia Ngày hội văn hóa thể thao học sinh, sinh viên do Tỉnh đoàn tổ chức cũng như nhiều sự kiện thể thao khác của ngành, địa phương tổ chức.
Cùng với những hoạt động văn hóa, văn nghệ, giáo viên còn nỗ lực giúp học sinh tìm hiểu văn hóa của chính đồng bào mình qua các đề tài nghiên cứu khoa học. Dịp Huyện đoàn Vĩnh Thạnh tổ chức liên hoan cồng chiêng thanh niên, cô trò Hồ Thị Hồng - giáo viên môn Lịch sử của trường và em Đinh Thị Luyến cùng nhau tham gia, gặp gỡ nghệ nhân, thu thập thêm thông tin để hoàn thành đề tài nghiên cứu khoa học về văn hóa của dân tộc Bana, H’rê, Chăm H’roi của em Luyến. Sau này, cô trò vui mừng thông báo đề tài đạt giải ba cấp tỉnh.
THẢO KHUY