Tiếp sức nông dân phát triển kinh tế
Những năm qua, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã tạo điều kiện cho hội viên, nông dân vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân để đầu tư phát triển kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực nuôi trồng, chế biến thủy sản, góp phần nâng cao chất lượng các phong trào của Hội.
Từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân của tỉnh, huyện, xã với tổng vốn 540 triệu đồng, từ năm 2016 đến nay, Hội Nông dân xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ) đã cho 16 hộ hội viên, nông dân vay để chế biến nước mắm, nuôi thủy sản bằng lồng bè trên biển. Theo ông Trần Văn Trung, Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Thành, tuy mỗi hộ hội viên, nông dân được vay không nhiều - với mức không quá 30 triệu đồng - nhưng nhờ quản lý tốt, sử dụng đúng mục đích, số vốn ấy đã giúp hội viên, nông dân nâng cao hiệu quả đầu tư, tạo việc làm, tăng thu nhập và nâng cao đời sống.
Mô hình nuôi cá bằng lồng bè trên biển của ông Nguyễn Thái Dương, ở thôn Vĩnh Lợi 3, xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ) mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ông Võ Chói, ở thôn Vĩnh Lợi 3, xã Mỹ Thành, chia sẻ: “Năm nay, được Hội hỗ trợ vay vốn của Quỹ 30 triệu đồng, vợ chồng tôi đã mua thêm phuy nhựa, nguyên liệu cá cơm để muối mắm bán, gia đình có thu nhập khá, trả nợ vay đúng hạn”. Tương tự, ông Nguyễn Thái Dương, cũng ở thôn Vĩnh Lợi 3, được Hội Nông dân xã giúp vốn từ Quỹ để mua thêm cá giống thả nuôi trên biển. Ông Dương bộc bạch: “Tôi có 2 bè/24 lồng thả nuôi 6.000 con cá bớp, 500 con cá mú, 6.000 con cá hồng mỹ. Đợt vừa rồi tôi mới thả thêm 5.000 con cá chua. Tôi nuôi gối đầu, trừ chi phí mỗi năm thu lãi gần 200 triệu đồng”.
Tại TP Quy Nhơn, đến nay, có 81 hộ hội viên, nông dân vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân để đầu tư đánh bắt và nuôi trồng thủy sản. Bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP Quy Nhơn, cho biết: “Từ nguồn vốn vay của Quỹ, nhiều mô hình, như: nuôi tôm hùm thương phẩm ở xã Nhơn Hải, nuôi mực lá ở xã Nhơn Châu, nuôi cá lồng bè ở Hải Minh (phường Hải Cảng), nuôi tôm thẻ chân trắng ở phường Đống Đa… phát triển, mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo đà để Hội thành lập thêm nhiều chi, tổ hội nghề nghiệp, giúp hội viên, nông dân liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm”.
Nhận thấy nghề nuôi mực lá bằng lồng bè trên biển mang lại hiệu quả cao, năm 2018, ông Trần Minh Hạnh, ở thôn Trung, xã Nhơn Châu (TP Quy Nhơn) đầu tư 2 bè nuôi mực. Ông Hạnh thổ lộ: “Năm nay, được Hội Nông dân xã tạo điều kiện cho tôi được vay 50 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân để mua thêm mực lá giống thả nuôi. Hiện tại, tôi thả nuôi gần 1.000 con mực lá; nuôi từ 2 - 2,5 tháng là xuất bán. Mực thu hoạch được bán cho các cơ sở kinh doanh du lịch trong xã với giá 320 - 350 nghìn đồng/kg, còn nếu khách du lịch ra bè câu mực thì giá 500 nghìn đồng/kg! Với tôi, đồng vốn của Quỹ có ý nghĩa rất lớn”.
Đến nay, tổng dư nợ cho vay của Quỹ Hỗ trợ nông dân là 55,231 tỷ đồng/2.129 hộ vay; trong đó vốn Trung ương cho 394 hộ vay 14,5 tỷ đồng, vốn cấp tỉnh cho 464 hộ vay 14,2 tỷ đồng và vốn cấp huyện cho 1.271 hộ vay 26,531 tỷ đồng. Bên cạnh việc cho vay vốn từ Quỹ, các cấp Hội Nông dân lồng ghép hoạt động tập huấn chuyển giao KHKT, tham quan thực tế các mô hình để học tập kinh nghiệm… nhằm giúp hội viên, nông dân sử dụng vốn vay đúng mục đích, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế ở địa phương.
Ông Đỗ Thiện Chế, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, cho biết: “Thời gian tới, chúng tôi sẽ xây dựng thêm nhiều mô hình sản xuất mới phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương để hỗ trợ vốn vay từ Quỹ cho hội viên, nông dân tiếp cận, hướng đến phát triển, nhân rộng các mô hình kinh tế tập thể trong liên kết chuỗi, nhằm tăng hiệu quả kinh tế”.
ÐOÀN NGỌC NHUẬN