Triển khai Luật Hòa giải ở cơ sở:
Thúc đẩy toàn xã hội tham gia vào công tác hòa giải
Theo kế hoạch, ngày 25.12, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị triển khai Luật Hòa giải ở cơ sở (HGCS), bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1.1.2014. PV Báo Bình Định đã phỏng vấn thạc sĩ Nguyễn Quốc Khánh, Trưởng phòng Phổ biến Giáo dục Pháp luật, Sở Tư pháp về vấn đề này.
● Mục tiêu của việc ban hành Luật HGCS là gì, thưa ông?
- Với tính chất là một cơ chế giải quyết tranh chấp tự nguyện và tự quản của người dân, Luật HGCS được ban hành nhằm tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện và thống nhất điều chỉnh tổ chức, hoạt động HGCS. Thông qua việc phát hiện và giải quyết tận gốc những mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ, việc thực hiện Luật HGCS sẽ góp phần làm tăng tỉ lệ hòa giải thành, qua đó giữ gìn tình làng nghĩa xóm, đoàn kết cộng đồng, phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm ở cơ sở, góp phần ổn định trật tự xã hội ở địa bàn dân cư. Tỉ lệ hòa giải thành cao sẽ góp phần hạn chế đơn thư khiếu kiện trong nhân dân.
● Ông đánh giá như thế nào về chất lượng các tổ hòa giải ở địa phương hiện nay? Việc triển khai Luật HGCS sẽ có tác dụng như thế nào trong việc khắc phục những hạn chế trong công tác hòa giải, thưa ông?
- Tính đến năm 2012, tỉnh ta có 1.122 tổ hòa giải với 7.912 hòa giải viên. Hầu hết tổ hòa giải được thành lập ở thôn, làng, khu vực, cụm dân cư theo mô hình tự nguyện và tự quản, với 5-9 hòa giải viên/tổ. Các tổ hòa giải đã phát huy vai trò là “cầu nối” đưa pháp luật hướng về cơ sở, đặc biệt là ở vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Từ năm 2009 đến 2012, các tổ hòa giải trên địa bàn tỉnh tiếp nhận 7.398 vụ việc, chủ yếu ở các lĩnh vực hôn nhân gia đình, dân sự, đất đai, hòa giải thành công 6.170 vụ, đạt 83%, góp phần giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ trong nhân dân, đảm bảo trật tự an toàn xã hội.
Theo tôi, tỉ lệ hòa giải thành như vậy vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra, xuất phát từ các quy định về tổ chức hoạt động, quản lý HGCS chưa đầy đủ, cụ thể và thống nhất. Một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa thật sự nhận thức đầy đủ bản chất, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác HGCS. Cơ quan tư pháp cấp huyện, cấp xã một số nơi chưa chủ động, chưa làm tốt vai trò tham mưu, giúp UBND cùng cấp trong quản lý công tác HGCS; đồng thời sự phối hợp giữa cơ quan tư pháp các cấp với Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp trong quản lý công tác HGCS chưa thật sự hiệu quả.
Cũng cần thấy rằng kinh phí dành cho công tác hòa giải hiện vẫn còn ít. Cụ thể, Quyết định 31/2010/QĐUB của UBND tỉnh quy định mức thù lao hòa giải cho mỗi vụ việc là 150 ngàn đồng, nhưng qua thực tế tìm hiểu thì chúng tôi được biết có nơi trả đúng quy định, có nơi trả thấp hơn và có nơi thậm chí không chi trả. Việc bồi dưỡng kiến thức và nghiệp vụ cho hòa giải viên cũng chưa được thường xuyên, phần nào ảnh hưởng đến chất lượng HGCS.
Vì vậy, việc triển khai Luật HGCS sẽ thúc đẩy toàn xã hội tham gia vào công tác HGCS, huy động được nhiều nguồn lực đầu tư vào công tác này.
● Theo ông, những hạn chế trong công tác bồi dưỡng nghiệp vụ và chi trả thù lao cho hòa giải viên có được khắc phục khi chúng ta triển khai Luật HGCS không?
- Khoản 1 Điều 6 Luật HGCS quy định, Nhà nước hỗ trợ kinh phí cho công tác HGCS để biên soạn, phát hành tài liệu; tổ chức bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ, kỹ năng HGCS; sơ kết, tổng kết, khen thưởng đối với công tác HGCS; chi thù lao cho hòa giải viên theo vụ việc và hỗ trợ các chi phí cần thiết khác cho hoạt động của HGCS... Trên cơ sở đó, sắp tới Chính phủ sẽ quy định chi tiết vấn đề này, trong đó có quy định về chế độ thù lao cho hòa giải viên khi thực hiện công tác HGCS. Vì vậy, tôi hy vọng những hạn chế này sẽ được khắc phục dần.
● Cảm ơn ông.
THU HÀ (Thực hiện)