Công tác hòa giải ở cơ sở: Góp phần “hạ nhiệt” khiếu nại vượt cấp
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 1.127 tổ hòa giải với hơn 8.160 hòa giải viên cơ sở đang tích cực hoạt động. Các tổ hòa giải ở cơ sở là “cánh tay” nối dài của chính quyền cấp xã, tham gia hòa giải những mâu thuẫn phát sinh ở xóm, làng, khu dân cư; góp phần giữ gìn tình làng nghĩa xóm và hạn chế khiếu nại vượt cấp.
Công tác hòa giải ở cơ sở góp phần kết nối, giữ gìn tình làng nghĩa xóm và hạn chế khiếu nại vượt cấp.
- Trong ảnh: Một buổi hòa giải tại thị trấn Vân Canh (huyện Vân Canh).
Tâm huyết, nhiệt tình
Gần 30 năm tham gia công tác hòa giải ở cơ sở, ông Quách Thiện, Bí thư Chi bộ - Trưởng thôn Thắng Công (xã Nhơn Phúc, TX An Nhơn) đã “nhúng tay” trong hầu hết các vụ tranh chấp, mâu thuẫn xảy ra tại địa phương, với tỷ lệ hòa giải thành từ 90% trở lên. Mỗi ngày, dù vướng bận với “cơm, áo, gạo, tiền”, nhưng trong xóm, thôn có việc là ông trực tiếp đến hỏi han, hòa giải.
Ở vùng nông thôn, đa số mâu thuẫn chủ yếu phát sinh từ tranh chấp đất giáp ranh; bất hòa trong gia đình; thậm chí cả chuyện con trẻ chọc ghẹo nhau… Khi tiếp nhận vụ việc, ông Thiện cùng các thành viên trong tổ hòa giải thôn dành thời gian tìm hiểu nguyên nhân, từ đó có cách hòa giải hợp lý.
“Hòa giải không chỉ giải quyết mâu thuẫn nhất thời mà còn giúp hàn gắn tình làng nghĩa xóm, tình cảm gia đình. Quan trọng nhất là phải tiến hành hòa giải ngay khi sự việc “còn trong trứng nước”; bởi khi mâu thuẫn nhỏ, các bên dễ thấu hiểu và chấp nhận làm hòa hơn khi nó đã trở nên nghiêm trọng. Làm công tác hòa giải ở cơ sở phải từ cái tâm trong sáng thì mới trụ được vì rất dễ va chạm”, ông Thiện tâm sự.
Không riêng ông Thiện, hầu hết những hòa giải viên cơ sở đều làm việc với cái tâm và sự nhiệt huyết. Mỗi khi trong xóm, thôn có chuyện, hòa giải viên lại gặp gỡ các bên tìm hiểu sự việc, khéo léo tác động từng người; vận dụng cả lý và tình để giải quyết. Việc nhỏ, đơn giản thì dùng cái tình; khi “căng” quá mới vận đến luật pháp.
Ông Trần Văn Hùng, Bí thư Chi bộ - Tổ trưởng Tổ hòa giải thôn Trung Hội (xã Mỹ Trinh, huyện Phù Mỹ), chia sẻ: Ở vai trò “trọng tài”, việc phân xử đụng chạm đến quyền lợi các bên là điều khó tránh khỏi, nên không ít hòa giải viên bị trách oan. Nhưng các hòa giải viên cũng sẵn sàng quên đi những thị phi để “vác tù và hàng tổng” hết năm này qua năm khác.
Tiếp tục phát huy, nâng cao hiệu quả
Theo Sở Tư pháp, hiện toàn tỉnh có 1.127 tổ hòa giải với hơn 8.160 hòa giải viên cơ sở. Hằng năm, các tổ hòa giải được kiện toàn với đầy đủ các thành phần tham gia như: MTTQ, Hội LHPN, Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên và những người có uy tín ở thôn, xóm. Nhờ vậy, chất lượng hòa giải ở cơ sở được nâng lên rõ rệt, mang lại hiệu quả cao; góp phần giảm thiểu các vụ khiếu nại vượt cấp. 6 tháng đầu năm 2020, các tổ hòa giải trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận 563 vụ việc; hòa giải thành công 452 vụ, đạt tỷ lệ trên 80%.
Bà Hồ Mỹ Ngọc Chân, Trưởng phòng Phổ biến giáo dục pháp luật (Sở Tư pháp), cho biết: UBND tỉnh đang triển khai Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019 - 2022”. Thực hiện Đề án này, hằng năm, Sở Tư pháp phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho các hòa giải viên cơ sở.
Qua đó, phổ biến sâu rộng mục đích, ý nghĩa của công tác hòa giải ở cơ sở; nâng cao chất lượng cho đội ngũ hòa giải viên trong việc giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn. Góp phần giữ gìn sự đoàn kết trong cộng đồng dân cư và giảm thiểu số lượng các vụ việc tranh chấp, khiếu nại trong nhân dân.
“Các vụ việc xảy ra ở cơ sở rất đa dạng nên đòi hỏi hòa giải viên phải có kiến thức pháp luật mới áp dụng, hòa giải thành công. Do đó, hoạt động bồi dưỡng nghiệp vụ giúp hòa giải viên cơ sở giải quyết vụ việc vừa có tình, có lý; dễ lay động lòng người, giúp việc hòa giải được thuận lợi, thành công”, bà Chân cho hay.
Theo ông Lê Văn Toàn, Giám đốc Sở Tư pháp, để công tác hòa giải ở cơ sở đạt kết quả, Sở tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, địa phương nâng cao hơn nữa nhận thức của toàn xã hội về vai trò quan trọng của công tác này. Qua đó, sử dụng ngày càng nhiều biện pháp hòa giải để giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn trong cộng đồng theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở. Đồng thời, xây dựng ý thức “sống, làm việc theo hiến pháp và pháp luật” trong nhân dân; góp phần ổn định tình hình ANTT, thúc đẩy KT-XH địa phương ngày càng phát triển.
VĂN LỰC