Nuôi tôm trong ao nổi: Bước tiến mới trong nghề nuôi tôm
Thay vì nuôi tôm bằng ao đất, ao đất trải bạt, một số người nuôi tôm ở TX Hoài Nhơn và TP Quy Nhơn đã mạnh dạn đầu tư mô hình nuôi tôm bằng ao nổi xây gạch, đúc bê tông xi măng kiên cố, có trải bạt. Cách nuôi này giúp kiểm soát tốt dịch bệnh tôm, tăng mật độ thả nuôi, đạt hiệu quả kinh tế cao.
Qua thực tế tìm hiểu mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn ương giống và nuôi thương phẩm tại các tỉnh miền Tây Nam bộ, năm 2017, ông Võ Thanh Triên, ở thôn Công Lương, xã Hoài Mỹ, TX Hoài Nhơn đầu tư gần 3 tỷ đồng xây dựng 7 ao nổi xi măng rộng tổng cộng gần 3 ha (gồm 3 ao tròn để nuôi ương, 2 ao nuôi thương phẩm, 1 ao cấp nước, 1 ao lắng xả thải để nuôi tôm thẻ chân trắng) tại khu nuôi tôm an toàn sinh học thôn Công Lương. Mô hình này áp dụng quy trình khép kín với hệ thống ao nuôi có mái che bằng lưới, trang bị máy sục khí tạo ôxy, hệ thống ống đưa nước vào ao nuôi, xử lý nước thải trước khi đưa ra môi trường.
Mô hình nuôi tôm bằng ao nổi xi măng của ông Võ Thanh Triên, ở xã Hoài Mỹ, TX Hoài Nhơn, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Đưa tôi đi tham quan mô hình nuôi tôm của mình, ông Triên hồ hởi chia sẻ: “Nuôi tôm ao nổi cần vốn đầu tư lớn, vì vậy nên nhiều người còn ngại. Nhưng xét về lâu dài thì làm theo mô hình này lợi đủ đường, như: Tiết kiệm diện tích ao nuôi, tăng mật độ thả nuôi từ 100 con/m2 lên 200 con/m2; do tiết kiệm diện tích ao nên sẽ cần ít nước hơn, dễ quản lý, giảm chi phí vật tư, tiền thuê nhân công, mà năng suất, chất lượng tôm tăng lên rõ rệt, lại kiểm soát, phòng ngừa dịch bệnh rất thuận lợi. Tôi nuôi gối đầu, thả nuôi hơn 2 triệu con tôm giống/vụ. Trung bình mỗi vụ nuôi, thu hoạch tổng cộng tới 58 - 60 tấn tôm thương phẩm, thu nhập từ 4 - 5 tỷ đồng!”.
Năm 2019, anh Nguyễn Mạnh Hải, ở thôn Xuân Khánh, xã Hoài Mỹ, cũng đầu tư gần 3 tỷ đồng xây dựng hệ thống ao nổi xi măng để nuôi tôm thẻ chân trắng tại vùng nuôi tôm Công Lương trên tổng diện tích 2.600 m2. Anh Hải thổ lộ: “Nuôi theo kiểu này không chỉ hạn chế rủi ro mà còn hạn chế lây nhiễm mầm bệnh, ô nhiễm môi trường vì nguồn nước được kiểm soát, xử lý từ khâu đầu đến khâu cuối. Tôm giống được nuôi ương trong ao tròn khoảng 1 tháng sẽ được chuyển sang ao nuôi thương phẩm, việc chuyển tôm chỉ cần xả nước ở ao ương là có hệ thống đưa tôm qua ao nuôi, không tốn công chuyển tôm, tiết kiệm thời gian, chi phí. Đến nay, tôi đã thu hoạch được 4 đợt, năng suất bình quân đạt 6 - 7 tấn/đợt”.
Xã Hoài Mỹ hiện có hơn 35 ha ao tôm, tập trung chủ yếu tại thôn Công Lương với gần 60 hộ nuôi; trong đó có 16 ha vùng nuôi an toàn sinh học được dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững (CRSD) hỗ trợ 4 tỷ đồng vào năm 2015 để triển khai. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Hoài Mỹ Đặng Quốc Bảo, cả xã hiện có 3 hộ nuôi tôm bằng ao nổi xi măng đạt hiệu quả kinh tế rất cao. Xã cũng đang kêu gọi các nhà đầu tư liên kết với người nuôi tôm trong xã phát triển hình thức nuôi này theo chuỗi, nhằm góp phần phát triển KT-XH ở địa phương.
Khu nuôi tôm ao nổi bằng sắt thép của anh Lê Bá Vinh tại xã Nhơn Hội, TP Quy Nhơn.
Cũng áp dụng mô hình này, anh Lê Bá Vinh, ở phường Đống Đa (TP Quy Nhơn) đầu tư hơn 1,5 tỷ đồng xây dựng tại xã Nhơn Hội (TP Quy Nhơn) 4 ao ương tôm giống, 3 ao nuôi thương phẩm, 2 ao đất trải bạt để cấp nước vào ao nuôi, 1 ao đất có hệ thống lọc, xử lý nước thải. “Trung bình mỗi vụ nuôi tôi thả nuôi 400 - 600 nghìn con giống tôm thẻ chân trắng. Tùy theo cỡ tôm mà mình thả nuôi mật độ giống như ao đất, nhưng tôm nuôi ao nổi đạt chất lượng, hiệu quả kinh tế vượt trội, lại bớt hẳn nỗi lo dịch bệnh”, anh Vinh cho hay.
Trao đổi về mô hình này, ông Phạm Thanh Nhân, Trưởng phòng Nuôi trồng Thủy sản - Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT), nhìn nhận: Mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn trong ao nổi là bước tiến mới khi người nuôi tôm tiếp cận KHKT nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần bảo vệ môi trường. Song tạm thời hiện chưa thể nhân rộng, do việc áp dụng mô hình này đòi hỏi vốn đầu tư lớn, người nuôi tôm phải có trình độ quản lý, nghiêm túc tuân thủ các quy trình kỹ thuật.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN